Bất động sản tăng trưởng ngược dòng COVID-19

Thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2021 ghi nhận nhiều bước tăng trưởng và mở ra nhiều tiềm năng hơn bao giờ hết. Nhu cầu sở hữu bất động sản tại thị trường nội địa đang có xu hướng tăng mạnh bởi dư địa thị trường so với khu vực còn dồi dào. Thêm vào đó, Song song, mức thu nhập của người dân ngày càng tăng và tầng lớp trung lưu của Việt Nam có sự gia tăng đáng kể. Đây chính là cơ hội để kích cầu thị trường và người dân có nhiều cơ hội mua được các sản phẩm bất động sản khác nhau. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn đánh giá Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa khá nhanh. Tính sơ bộ một năm có đến trên 1 triệu dân chuyển đến các đô thị lớn để sinh sống. Đây là một thị trường lớn của ngành bất động sản ở những giai đoạn sau. 

Các chuyên gia cũng nhận định tăng trưởng bất động sản tại Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng mạnh theo xu hướng phát triển của bất động sản toàn cầu.

Quy mô thị trường bất động sản toàn cầu sẽ đạt 8.600 tỷ đô la Mỹ vào năm 2026, tăng trưởng 2,8% so với năm 2019. Ngoài ra, sau đại dịch, thị trường du lịch toàn cầu được dự đoán tăng trưởng lên đến 1.300 tỷ đô la Mỹ vào năm 2021; khách sạn và khu nghỉ dưỡng cũng được dự đoán tăng trưởng hơn 950 tỷ đô la Mỹ vào năm 2021.

Sự lên ngôi của proptech

Đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã tạo ra áp lực thay đổi chưa từng có lên ngành bất động sản. Và một trong số đó là sự lên ngôi của proptech.

Một thống kê không chính thức cho thấy hiện có 100 nền tảng proptech đang hoạt động tại Việt Nam. Đặc biệt, sân chơi proptech còn đang mở rộng rất nhanh và thu hút mạnh dòng vốn đầu tư mạo hiểm.

imageviaasiagreen-1624090566-750x0-1640838704.jpeg

Cuối tháng 10 vừa qua, Citics - startup cung cấp giải pháp dữ liệu cho các ngân hàng để xác nhận giá trị của bất động sản - công bố gọi vốn thành công 1,3 triệu đô la Mỹ từ Vietnam Investment Group, Vuples Investment Management và BHS Group. Hay Rever - startup tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào môi giới bất động sản – cũng chốt thành công huy động 10,2 triệu đô la Mỹ của Mekong Capital. Vòng gọi vốn trước đó từ GEC-KIP và Golden Equator Capital, công ty đã huy động được 2,3 triệu đô la Mỹ.

Gần đây, Propcom dù mới gia nhập đã muốn phát triển thành một cộng đồng - nơi kết nối chủ đầu tư, công ty kinh doanh với đối tượng yêu thích bất động sản, tài chính ở mọi lứa tuổi. Hay Ztudium, tập đoàn công nghệ tới từ Anh, cũng kỳ vọng trở thành nhà cung cấp nền tảng Society 5.0 (Xã hội 5.0) trong dòng chảy đi lên của thị trường bất động sản Việt.

Bất động sản là một lĩnh vực cần nguồn phân phối tài nguyên rộng lớn và đa dạng, vì thế việc ứng dụng blockchain vào lĩnh vực này cũng phức tạp và chuyên sâu hơn so với nhiều ngành nghề khác. Số hoá nhiều lĩnh vực từ thời trang, sinh trắc học…. ông Dinis Guarda, founder Ztudium, cho biết với nhà đất thì các tài sản trị giá hàng triệu đô la Mỹ cũng được chia thành các phần nhỏ.

Ông Neil MacGregor - Giám đốc điều hành Savills Vietnam, cho biết: “Chúng tôi có thể tự tin nói rằng, thị trường proptech của Việt Nam đã tăng được thị phần trong khu vực Đông Nam Á và kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục”.

Lý giải cho hoạt động tăng trưởng của proptech ngay trong đại dịch Covid-19, ông Neil MacGregor chỉ ra hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, là tiềm năng rộng lớn của thị trường bất động sản Việt Nam, với tổng dân số lên tới hơn 97 triệu người tính đến năm 2021. Thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn non trẻ với rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Proptech có khả năng đưa ra giải pháp khắc phục được những vấn đề tồn đọng này. 

Thứ hai, người Việt có sự am hiểu nhất định về công nghệ và có khả năng tiếp nhận tốt với công nghệ mới. Thị trường proptech lại đang khai thác nhóm dân số am hiểu công nghệ này, đặc biệt là nhóm cư dân trong các tòa nhà chung cư, sử dụng các ứng dụng quản lý bất động sản.

Savills Impacts dự báo khoảng thời gian từ 2020 – 2026, quy mô của thị trường lưu trữ dữ liệu công nghệ thế giới sẽ tăng trưởng với tốc độ 4,5%/năm và đạt 251 tỷ đô la Mỹ vào năm 2026. Việc phát triển công nghệ trong lĩnh vực bất động sản, hay còn gọi là proptech đã trở thành một lĩnh vực màu mỡ thu hút nhiều đầu tư tại châu Âu, đặc biệt tại các nước như Anh, Đức và Tây Ban Nha.