vnf-sacombank-lo-quy-iv-2016-1526-1623409469.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Sacombank)

Cổ phiếu STB của Sacombank liên tục là tâm điểm của thị trường trong những tháng qua khi thị giá bật tăng mạnh mẽ đi cùng khối lương giao dịch liên tục ở mức cao.

Đóng cửa phiên giao dịch 11/6, thị giá STB dừng ở mức 30.500 đồng/cp, tăng hơn 80% kể từ đầu năm với khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 39 triệu đơn vị. Trước đó, STB đã tăng 68% và là 1 trog 5 cổ phiếu tăng mạnh nhất ngành ngân hàng trong năm 2020.

Trước đà leo dốc mạnh của thị giá, một loạt tổ chức đã và đang có kế hoạch bán ra cổ phiếu STB với khối lượng lên tới hàng trăm triệu đơn vị.

Mới nhất, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết  đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc bán cổ phiếu quỹ của Sacombank.

Cụ thể, UBCKNN cho biết đã nhận được tài liệu báo cáo giao dịch bán cổ phiếu quỹ theo Báo cáo số 1473/2021/CV-TGĐ ngày 3/6/2021 của Sacombank. Theo Nghị quyết HĐQT của Sacombank ngày 1/6, HĐQT đã thông qua phương án bán hơn 81,5 triệu cổ phiếu quỹ (nguồn hình thành cổ phiếu quỹ từ việc sáp nhập Phương Nam Bank vào Sacombank) thực hiện theo Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được NHNN phê duyệt.

UBCKNN đề nghị NHNN có ý kiến về việc bán cổ phiếu quỹ của Sacombank theo Đề án tái cơ cấu và gửi về UBCKNN trước ngày 14/6 để UBCKNN trả lời Sacombank về tài liệu báo cáo giao dịch bản cổ phiếu quỹ.

Thông tin về mức giá chào bán, thời gian và phương thức giao dịch chưa được công bố.

Ước tính theo mức giá chốt phiên 11/6 (30.500 đồng/cp), Sacombank có thể thu về khoảng 2.500 tỉ đồng từ việc bán hơn 81,5 triệu cổ phiếu quỹ.

z2546523875464-f8b608e4dee3fc803b8ff5f5ea1be6c1-1623409402.jpg
Diễn biến cổ phiếu STB trong vòng 1 năm qua. (Nguồn: Tradingview)

Trước đó, vào cuối tháng 3, Kienlongbank cho biết đã bán xong 176 triệu cổ phiếu STB để xử lý nợ. Tuy nhiên, mức giá bán và phương thức giao dịch không được ngân hàng công bố.

Ngoài Kienlongbank, Eximbank và VAMC hiện nắm giữ lần lượt gần 5% và 32,5% cổ phần STB dưới dạng tài sản đảm bảo, đều có ý định xử lý khối tài sản này.

Tại Eximbank, trong kế hoạch kinh doanh năm 2021, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 2.150 tỷ đồng, tương đương tăng 63% so với năm trước. Với con số lợi nhuận tham vọng nêu trên, không loại trừ khả năng Eximbank sẽ thanh lý lượng tài sản đảm bảo là gần 75 triệu cổ phần STB để thu hồi nợ.

Trong khi đó, VAMC cũng đã phát tín hiệu về phương án xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến ông Trầm Bê được đảm bảo bởi cổ phiếu STB. Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Sacombank năm 2021, đại diện VAMC cho biết đang trình Chính phủ, NHNN, và dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ có trả lời chính thức về hướng xử lý khối tài sản này.

‘’Sau khi xử lý, ông chủ thực sự của số cổ phần trên sẽ xuất hiện, sẽ chăm lo cho Sacombank tương tự như ông Minh đang chăm lo cho Sacombank hiện nay. Số cổ phiếu của ông Trầm Bê được xử lý sẽ tốt cho Sacombank hơn so với hiện tại. Người ta sẽ đưa tiền tươi thóc thật vào và chăm lo cho Sacombank’’, vị đại diện này cho biết.

Về phía Sacombank, Chủ tịch Dương Công Minh cũng thông tin rằng ngân hàng đang xin cơ chế mua lại khoản nợ xấu tại VAMC rồi bán đấu giá lượng cổ phần nêu trên. Giá đấu sẽ rơi vào khoảng 33.000 - 34.000 đồng/cp để thu đủ vốn, lãi, lãi phạt. Số cổ phiếu chiếm 32% vốn tại VAMC phải giải quyết trong năm 2022.