Ngày 9/6 ghi nhận hàng loạt đánh giá "1 sao" đối với thông tin giới thiệu Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trên Google Map.

Vào lúc 15h30, HOSE đã nhận hơn 1500 đánh giá từ mức 300 vào đầu giờ sáng. Số lượng tài khoản đánh giá càng tăng, mức "sao" của HoSE lại càng bị tụt, hiện xuống mốc 1,1/5 sao.

Hàng loạt bình luận cũng được thêm vào các đánh giá như “Quá thất vọng vì cách xử lý của lãnh đạo, coi thường nhà đầu tư”, “Cơ quan hàng đầu, nắm giữ vai trò quan trọng bậc nhất của đất nước mà chất lượng cực kỳ tồi tệ”, ‘’Phí, thuế nộp đầy đủ, nhưng hoạt động quá yếu kém không đầu tư hệ thống’’ hay “Nhà cái chơi gian lận”;….

Làn sóng bức xúc này xuất phát từ tình trạng tắc nghẽn liên tục xảy ra trên sàn HoSE, bảng giá ‘’treo’’ trong thời gian dài khiến nhà đầu tư bị "bịt mắt" khi giao dịch. Mới đây, các công ty chứng khoán còn không cho khách hàng của mình sửa/hủy lệnh giao dịch, làm gia tăng rủi ro cho phía nhà đầu tư.

"Làm thát thoát tiền của nhà đầu tư ,như đi trong đêm mưa bán tù mù", một nhà đầu tư đánh giá.

Thậm chí có một số bình luận tỏ ra gay gắt hơn khi yêu cầu lãnh đạo cơ quan này từ chức: ” Chất lượng sàn không tương xứng với kỳ vọng nhà đầu tư, xử lý vấn đề quá chậm, gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Lãnh đạo thiếu trách nhiệm’’, hay “Quá kém chất lượng, xử lý lỗi quá chậm, ảnh hưởng đến toàn bộ tâm lý nhà đầu tư. Cần thay lãnh đạo Hose là rất cần thiết vào lúc này’’.

z2542204329222-2ea82bb430776c21a5a5522d6a9d5026-1623227987.jpg

Ảnh chụp màn hình.

Tình trạng nghẽn lệnh kéo dài hơn nửa năm nay. Một số giải pháp đã được ban lãnh đạo HOSE đưa ra như nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu, nhưng bị các thành viên trên thị trường phản đối. 

Trong phiên ngày 1/6, HOSE thông báo ngừng giao dịch phiên chiều khi giá trị giao dịch chứng khoán vượt mức 21.700 tỷ đồng dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống. Tiếp đó, trong một tuần nay nhà đầu tư lại bị ép không được sửa/hủy lệnh nên hết sức bức xúc. Dù vậy, đến nay lãnh đạo sàn HOSE chưa có lên tiếng về tình trạng này.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường xuất hiện tình trạng nghẽn lệnh khi hệ thống HOSE không thể xử lý số lượng lệnh khổng lồ lên đến gần 760 nghìn lệnh ngay trong phiên giao dịch buổi sáng ngày 1/6. Việc số lượng nhà đầu tư F0 tăng trưởng mạnh mẽ trong ba tháng vừa qua khiến thanh khoản thị trường lên đỉnh cao mới trong tháng 5/2021 (tăng 40% so với thanh khoản trung bình trong 4 tháng đầu năm). Do đó, dự đoán tình trạng nghẽn lệnh sẽ xảy ra thường xuyên trong tháng 6. 

Trước đó, HOSE nhờ một số điều chỉnh kĩ thuật tạm thời đã phần nào giải quyết được tình trạng nghẽn lệnh từ ngày 12/4 khi nâng tổng số lượng lệnh mua và bán đạt lên 800.000 lệnh (cao hơn so với mức giới hạn khoảng 640,000 lệnh tại thời điểm trước đó). FPT dự kiến sẽ bàn giao hệ thống giao dịch mới cho HOSE vào cuối tháng 6 và sẵn sàng đưa vào vận hành trong tháng 7. 

VDSC cho rằng, gần đây, các công ty chứng khoán đưa ra thông báo đến nhà đầu tư về việc ngưng sửa và hủy lệnh giao dịch như là một giải pháp tạm thời nhằm giảm tình trạng nghẽn lệnh. Quan điểm của VDSC về vấn đề này, nhà đầu tư có thể sử dụng lệnh thị trường để tăng khả năng khớp lệnh. Tuy nhiên, điều này dẫn đến rủi ro mua cổ phiếu với giá cao (mua đuổi để khớp) và bán với giá thấp (bán bất chấp khi thị trường đảo chiều). Do đó, thị trường có thể xảy ra những biến động lớn hơn trong giai đoạn này.

 HOSE lãi lớn, thuế chứng khoán tăng 320%

Tổng cục Thuế mới đây cho biết số thuế thu nhập cá nhân 5 tháng đầu năm tăng mạnh, trong đó thu từ chứng khoán tăng 320% so với cùng kỳ, từ đầu tư vốn của cá nhân tăng 169% so với cùng kỳ, từ chuyển nhượng bất động sản tăng 183% so với cùng kỳ.

Sự tăng vọt về tiền thuế chứng khoán được cho là xuất phát từ đà tăng nóng của thị trường với khối lượng giao dịch và thành khoản liên tục lập kỉ lục trong những tháng qua.

Lũy kế trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam có thêm gần 483.000 tài khoản chứng khoán mới, trong đó lực lượng cá nhân trong nước đóng góp 480.000. Trung bình mỗi phiên trong tháng 5, HOSE ghi nhận hơn 700 triệu cổ phiếu được giao dịch, giá trị tương ứng hơn 21.900 tỷ đồng.

Năm 2020, HOSE ghi nhận 993 tỷ đồng doanh thu và 553 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 39% và 46% so với 2019. Trong đó, biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng của công ty đạt lần lượt 93% và 56%, con số đang mơ ước của bất kỳ doanh nghiệp nào.

Đến thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của HOSE đạt gần 3.280 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cuối năm 2019. Trong đó, lượng tiền mặt và tương đương tiền tăng vọt từ hơn 338 tỷ đồng lên 1.692 tỷ đồng.

Trong nhóm tài sản dài hạn, Sở ghi nhận khoản chi cho "thiết bị tin học cho dự án xây dựng" đến cuối năm 2020 là 342 tỷ đồng, tăng 124 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Đây là khoản chi liên quan đến việc triển khai hệ thống phần mềm giao dịch mới của HOSE do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) làm nhà thầu, giải pháp được xem là căn cơ để chấm dứt tình trạng nghẽn lệnh, đơ trên sàn.