[Bài viết được biên tập lại bởi bạn Ming Kim, chọn lọc 1 số topic để giữ độ dài của loạt bài, so với bài gốc của tác giả Thắng Dự Toán]

Đây là những chapter tôi viết rất ngẫu hứng và đăng lên Facebook cá nhân, bắt đầu từ khoảng tháng 5 năm 2017. Lúc đầu chỉ ý định kể lại những trải nghiệm cá nhân để anh em thầu, chủ nhà, thiết kế nhìn vào đó mà rút kinh nghiệm. Nhưng sau được động viên của anh em, tôi muốn lồng ghép vào đó những kinh nghiệm, lời khuyên cho anh em thầu, chủ nhà cũng như thiết kế để làm công việc xây ngôi nhà mơ ước hoàn hảo hơn, như kiểu một cuốn cẩm nang xây nhà nhưng viết theo kiểu văn học, có các câu chuyện, trải nghiệm, có thể có chút căng thẳng hoặc phiêu lưu tình ái cho hấp dẫn hơn.

Vì vậy cốt chuyện chính vẫn là chuyện thật của tôi:

· Năm 1998, xách cái Honda Cub 84 vào SG, hai bàn tay trắng.
· Nhảy loăng quăng các tỉnh, năm 2000 mới ổn định ở Chi nhánh VNCC phía Nam
· Làm ở VNCC, đăng báo “Nhận tính dự toán các loại công trình …”, khởi nghiệp thành công.
· Năm 2002 tách ra mở công ty, vấp váp, vay nợ, rồi dần ổn định. Chủ yếu làm dự toán, mở lớp dạy dự toán, bán phần mềm dự toán dtPro, nhưng thỉnh thoảng vẫn bắt thiết kế, thi công nhà dân.
· Năm 2006 nhảy ra làm nhà dân, tính làm lớn, tạo dựng thương hiệu NiceHouse, thành công bước đầu khi ký được hơn chục hợp đồng nhưng quản lý không được, dính vụ khủng hoảng 2007-2008 nữa, phá sản
· Từ 2008 mệt mỏi đau đầu gần như không sáng tạo được gì
· Bắt đầu làm lại từ đầu năm 2017, với phần mềm dự toán nhà dân dtPro MyHouse và phát triển việc dạy dự toán, livestream, tư vấn anh em thầu về việc phát triển công ty, viết và phát hành sách …

Nhưng để lồng ghép các kiến thức và kinh nghiệm cho anh em, tôi lấy bối cảnh những năm 2006-2007, còn về kỹ thuật, tiếp thị tìm kiếm khách hàng (internet marketing: Web, Facebook, Zalo …) thì tôi cập nhật mới nhất. Chẳng hạn việc tìm kiếm khách hàng hồi đó chủ yếu dựa vào báo chí truyền hình, nhưng giờ lại phải dựa vào Internet nên phải cập nhật, chứ cứ viết chuyện thật hồi đó thì lạc hậu quá rồi. Vì vậy, khi đọc, có thể anh em sẽ có băn khoăn: “Ô, hồi đó làm gì có cái này nhỉ” hoặc tệ hơn thì bảo: “Mịa thằng phét lác, hồi đó mà chém như đúng rồi …”

Cũng có thể phịa thêm chút tình tay ba tay tư gì đó cho thêm phần hồi hộp và hấp dẫn. Nói trước là phịa để ai vô tình thấy có liên quan thì cũng đừng để ý, phịa í mà.

12. ĐỔ BÊTÔNG

 

Lần đầu tiên đi coi đổ bê tông, thấy đổ ra như thằng đi té re, kêu la ầm ĩ:
- Tụi mày trộn gì như thằng *a chảy vậy?
Nó bảo: “Cả thành phố này *a chảy hết mịa nó rồi”. Đúng thật. Hầu hết là thuê đội đổ, mà đội nào cũng giống đội nào, cứ trộn tóe loe cho dễ làm.

 

Về kỹ thuật, lượng nước cần để xi măng thủy hóa rất ít. Trộn nhão, lượng nước dư sẽ bốc hơi, tạo ra các lỗ rỗng, giảm cường độ và tăng nguy cơ thấm. Đại khái để tính được lượng nước chính xác lằng nhằng lắm, lúc học vật liệu xây dựng nhiều thằng rớt lên rớt xuống vì cái tỷ lệ N/X (nước/xi măng) này. Nhưng với cấp phối nhà dân thông dụng thì nói cho dễ hiểu là càng trộn khô càng tốt.

 

Lần sau nói cai trả giá với đội đổ trước, phải trộn khô. Nếu không thì thuê đội khác.
Nhưng nhục cái, chính thợ của mình cũng muốn bê tông nhão cho dễ làm. Thua.
Hai anh em bàn nhau mãi. Thì cũng chỉ còn cách trả bọn nó giá cao hơn chút và mình chịu khó kiểm soát mà thôi.

Vì vậy, chủ nhà nên yêu cầu họ phải trộn khô thì bê tông sẽ tốt hơn. Họ làm được, bằng chứng là lúc trộn để đổ cầu thang họ trộn khá dẻo (trộn nhão quá đổ cầu thang nó trôi hết xuống) nhưng lúc đổ đà sàn lại nhão tóe loe.

13. MỊN NHƯ KHÚC GIÒ

Lúc mới đi làm, thường thấy thợ quảng cáo: “Anh đổ bê tông em khỏi lo đi, mịn như khúc giò (láng o)”. Ý nói bê tông sau khi gỡ ván khuôn mịn đẹp, không bị rỗ.
Thì cũng gật gù theo. Vì chữ của thày trả thày hết mịa nó rồi.

 

Sau mấy anh lớn find-out cho mới biết, mịn chẳng phải là tốt, cũng chẳng có gì tự hào cả. Cấp phối (tỷ lệ trộn đá cát xi măng) đúng thì đá phải khá nhiều, cát và xi măng chỉ vừa đủ lấp đầy các khe mà thôi. Và phải đầm khá lâu cho lên hết các bọt khí.

 

Nhưng thợ chơi chiêu, trộn nhiều cát, và hơi nhão. Đổ bê tông xuống, gí đầm éo một cái là rút ra ngay. Trông bê tông rất mịn đẹp, nhưng thực ra cũng không tốt lắm. Vì cát nhiều và còn nhiều bọt khí.
Nhưng bù lại xi măng lại nhiều hơn cấp phối yêu cầu nên cũng ổn. Vì đúng định mức thì 1m3 BT mác 250, dùng XM PC40 thì hết 335kg XM, 0.487 m3 cát và 0.903 m3 đá 1x2. Tức là trộn 1 lần 1 bao XM thì dùng 72.6 lít (~4 thùng sơn 18l) cát, 134.7 lít (~7.48 thùng sơn) đá. Nhưng thực tế thì thường trộn 1 bao XM 4 thùng cát, 6 thùng đá.

Mình đề nghị tăng đá lên một chút. 1 bao XM 4 thùng cát 7 thùng đá là đẹp.

15. BÊ TÔNG TƯƠI

Vậy phương án sử dụng bê tông tươi thì sao? Chất lượng thì đương nhiên đảm bảo hơn rồi, vì dù gì cũng làm công nghiệp nên đồng đều hơn. Nhưng cũng kẹt là vào thành phố thì bị cấm đường, phải đổ buổi đêm, chỉ tiện khi làm ở các khu dân cư mới ở vùng ven thôi. Vào hẻm nhỏ hay đường cấm dừng cấm đỗ thì bó tay. Tất nhiên, bên bê tông vẫn có cách “lo” được, nhưng giá thành cũng đội lên.

 

Ngoài ra, thường phải gọi dư bê tông ra một chút. Nên cũng tốn thêm chút. Thường thợ có thời gian thì làm trước mấy cái lanh tô hay đan gì đó, dư thì đổ cho đỡ phí BT.
Giá thì đương nhiên cao hơn trộn tay, nhưng mỗi sàn thêm vài triệu mà đổi lấy sự yên tâm thì cũng không phải cái mà chủ nhà băn khoăn lắm.

 

Vì vậy thống nhất sẽ ưu tiên phương án đổ BT tươi nếu có điều kiện.
Lưu ý: Khi đổ BT tươi thì phải chú ý hệ thống giàn giáo ván khuôn chắc chắn hơn một chút, vì lực bơm rất mạnh. Đã có trường hợp lực bơm mạnh quá làm rung lắc và sập giàn ván khuôn.

16. HÃY CHỌN THƯƠNG HIỆU

 

Nhiều người nghĩ đơn giản là BT tươi đã trộn máy móc nọ kia xe trộn thì yên tâm. Nhưng nhiều nhà máy nhỏ cũng trời ơi lắm. Nên chọn thương hiệu BT tươi có uy tín chút, dù có mắc hơn, hoặc khó khăn hơn (vì mấy thương hiệu lớn thì nhiều việc, khó bố trí bơm nọ kia hơn, nếu có 2 cái cùng ngày thì họ ưu tiên công trình lớn).

17. VÁN KHUÔN CỘT

 

Ở các công trình lớn, hệ thống gông cột nhìn hết hồn. Vì nếu làm đúng kỹ thuật thì đổ BT, phải đầm kỹ. Khối BT lỏng cao tới hơn 3m, gông vớ vẩn là bung ngay.

 

Nhà dân thì gần như không có gông. Cũng chơi chiêu. Đổ, nhưng đầm rất ít, thậm chí không dùng đầm dùi. Chỉ gõ xung quanh và cầm cây thọt thọt thôi. Rồi chờ lớp dưới se se lại mới đổ tiếp lớp trên. Như vậy, mặt bê tông rất đẹp, nhưng cũng không được đầm đủ nên còn nhiều bọt khí.
Cũng bàn bạc rất lâu. Và cũng đành thỏa hiệp. Cứ làm như bình thường rồi tính sau.

18. MAY DƯ HỒ THIẾU

Lúc trước có nhiều lần đổ bê tông bị cao, đục rất khổ. Chẳng hạn, tầng cao 3.4m, mà dầm cao 350 (35cm – từ giờ tôi sẽ dùng đơn vị mm cho đồng bộ với bản vẽ kỹ thuật) thì cột đổ cao 3.05m. Nhưng nếu dầm ở chỗ cầu thang là 100x450, thì cột chỗ đó chỉ đổ 2.95m mà thôi. Nếu cai không có kinh nghiệm, đổ đều 3.05m thì sau đục thấy bà nội luôn. Mà mới đổ xong mà đè ra đục thì chủ nhà chẳng chửi như con chó.

 

Nhiều trường hợp đo sai, đọc số sai, thước bị gãy … cũng bị dư bê tông.

 

Câu “May dư hồ thiếu” ý là: May thì cắt vải dư, cần thì cắt bớt chứ nếu cắt hụt thì không sửa được. Xây thì làm thiếu chút, cần thì xây thêm chứ làm dư, đục đi thì khổ. Vì vậy, lúc đánh mốc, làm thiếu thiếu 2-3cm, sau thiếu đổ thêm, tránh phải đục BT.

 

Mình đề xuất sẽ đưa vào một cuốn sách chỉ dẫn kỹ thuật, phát cho cai và những thợ đầu cánh, yêu cầu đọc kỹ và làm theo. Cũng sẽ làm các check list, yêu cầu kỹ sư rà soát và thực hiện đầy đủ, tránh sai sót.

19. CHECK LIST

“Bọn Tây” hay có check list để kiểm tra, cái nào OK thì đánh dấu. Một số công trường lớn cũng thực hiện. Nhà dân thì …
Nhưng làm được thì rất hay. Ví dụ trước lúc đổ BT, mang cái check list ra, kiểm tra, cái nào OK rồi đánh dấu

20. CHÚ Ý NỀN CÁT

Năm 1998, lúc tôi mới vào SG, đi làm công trình ở Cao Lãnh (Đồng Tháp), có một vụ sập giàn chống và ván khuôn dầm sàn do nền cát lún. Nền đắp bằng cát nhưng không đầm hoặc đầm không kỹ, tới hồi đổ BT, nước rửa sàn, nước bê tông chảy xuống, có thể cả mưa hôm trước nên nền cát lút, cộng với sức nặng của bê tông làm sập ván khuôn sàn. Không gây thương vong, nhưng chi phí khắc phục khá lớn.

Vì vậy, khi tôn nền chú ý bơm nước đầm lèn kỹ trước khi kê chống hệ thống giàn chống để làm ván khuôn dầm sàn. Chân cột hoặc giáo chống luôn phải kê tấm ván rộng để giàn đều tải trọng.

 

Trước khi đổ BT phải kiểm tra lại hệ thống chống một lần. Nói chung bây giờ đa số chống bằng giáo nên khá an toàn, nhưng nếu kiểm tra không kỹ có thể võng sàn.

 

Nên phân công một người trực hệ thống giàn giáo, có vấn đề gì phải có biện pháp khắc phục luôn.

Tác giả: Thắng Dự Toán