cac-hang-hang-khong-nga-bat-dau-thao-may-bay-lay-linh-kien-thay-the-1660358164.jpg
 

Động thái này không ngoài dự đoán, hồi tháng 6 Moscow đã đưa ra khuyến nghị lấy phụ tùng từ một số máy bay do nước ngoài sản xuất nhằm đảm bảo duy trì hoạt động của các đội bay ít nhất là đến năm 2025. Được biết một chiếc Sukhoi Superjet 100 và một chiếc Airbus A350 gần như mới của Aeroflot đang được tháo lấy phụ tùng. Ngoài ra, Aeroflot còn đang tiến hành tháo 2 chiếc Boeing 737 và 2 chiếc Airbus A320 vì hãng này cần nhiều phụ tùng thay thế hơn từ các model này.

Superjet 100 dù được Nga sản xuất nhưng dòng máy bay này sử dụng nhiều phụ tùng do phương tây cung cấp, điển hình là động cơ. Nguồn tin cho hay một chiếc Superjet 100 đã được tháo lấy động cơ để thay thế cho một chiếc Superjet 100 khác. Động cơ là thành phần thường xuyên được luân chuyển giữa các máy bay, chúng thường được cung cấp theo các hợp đồng riêng. Về phần Airbus A350, Aeroflot có 7 chiếc loại này, 3 trong số đó đã nằm yên trên mặt đất trong suốt nhiều tháng qua và 1 chiếc thì đang được tháo lấy phụ tùng.

007 Aeroflot fleet.jpg
Đội bay của Aeroflot tính luôn cả các hãng con như Rossiya và Pobeda có tổng cộng 356 máy bay theo thống kê năm 2021. Trong đó 134 máy bay Boeing gồm các dòng Boeing 737-800, 747-400, 777-300/300ER và 146 máy bay Airbus gồm các dòng Airbus A319, A320/A320neo, A321neo, A330-200/300, A350-900. Phần còn lại là 76 chiếc Sukhoi Superjet 100. Tuy nhiên kể từ cuối tháng 6 thì 50 máy bay của Aeroflot, tương đương 15% đội bay không được khai thác.

Các chuyên gia hàng không cho rằng việc các hãng bay Nga như Aeroflot tiến hành tháo phụ tùng máy bay này đắp sang máy bay kia chỉ là vấn đề về thời gian. Trước các lệnh cấm vận chưa rõ thời hạn kết thúc của phương Tây, các hãng hàng không Nga đang đối mặt với thách thức lớn để giữ cho đội bay gồm đa phần là máy bay hiện đại của phương Tây hoạt động với năng lực kỹ thuật hạn chế. Việc sàng phụ tùng giữa các máy bay là điều hiếm thấy. Biện pháp này chỉ được dùng bởi các hãng hàng không gặp vấn đề về tài chính và chưa từng xảy ra ở quy mô lớn.

012 Aeroflot A350.jpg
Dĩ nhiên với phụ tùng thay thế thì các máy bay có thể trở lại hoạt động. Tuy nhiên điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng tái gia nhập thị trường toàn cầu của máy bay, đó là khi hãng hàng không như Aeroflot trả lại máy bay cho bên cho thuê. Thêm vào đó nhiều phụ tùng có tuổi thọ giới hạn. Một chuyên gia đầu ngành cho biết thách thức lớn nhất là giữ cho động cơ và các trang thiết bị điện tử phức tạp hoạt động chính xác bởi chúng rất khó để sửa chữa. Chính kế hoạch phát triển ngành hàng không Nga đến năm 2030 cũng nêu ra thách thức này khi những chiếc máy bay như A350 hay dòng Q-series của Bombardier rất khó để bảo trì, hoạt động bảo trì đều được thực hiện tại nước ngoài.

Nga có thể tìm kiếm nguồn cung cấp phụ tùng từ các nước không áp đặt lệnh cấm vận nhưng điều này khá khó. Những quốc gia châu Á và Trung Đông nếu đồng ý bán phụ tùng cho Nga sẽ lo ngại bị phương Tây áp đặt cấm vận. Một nguồn tin cho hay: "Mỗi linh kiện, phụ tùng có số series riêng và nếu các tài liệu mua bán cho thấy bên mua cuối cùng là một hãng hàng không Nga thì sẽ không ai đồng ý cung cấp, cả Trung Quốc và UAE. ... Tất cả các phụ tùng phải được báo cáo cho Boeing và Airbus trước khi chúng được cung cấp cho bên mua."

Aeroflot là hãng hàng không quốc gia Nga, từng là một trong những hãng hàng không lớn nhất thế giới nhưng giờ đây đang phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ của chính phủ. Sau khi các lệnh cấm vận được áp đặt, Aeroflot đã chứng kiến sự sụt giảm đến 22% về số lượng chuyến bay trong quý 2 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái do nhiều đường bay đến các điểm đến châu Âu bị đóng cửa.

Theo: Reuters