vbi-23-1616232480.jpg
Chú thích ảnh

Trước khi nhất thống thiên hạ thời Tần Thuỷ Hoàng, nước Tần thời đế quốc là một nước nghèo liên tục bị nước Nguỵ hùng mạnh ở phía Đông lấn lướt. Nước Tần nghèo đến nỗi ăn thì chỉ có món thịt dê là chủ yếu vì không có vật nuôi khác phổ biến, rượu thì nhạt. Nước Tần nghèo đến mức các nhân sỹ trí thức không ai buồn ở lại phục vụ. Tần Hiếu Công thấy cái nhục nhược tiểu của mình, tự tay kéo khối đá lớn đến nhà một người thợ đá nhờ khắc lên đó hai chữ QUỐC NHỤC rồi để giữa triều. Thề phải làm nên nghiệp lớn. Quần thần ra kế nên viết chiếu cầu hiền. Các vị danh sỹ trong triều soạn ra một bức chiếu đúng phong cách đế vương. Tần Hiếu Công đọc xong xé đi mà rằng: nước nghèo, binh yếu, các vị cầu hiền mà viết giọng kẻ cả thế này thì ai đến? Ông tự tay viết lại một bức chiếu không ngại ngần đề cập đến cái yếu, cái kém của nước mình và chân thành, khiêm cung mời hiền tài đến giúp. Kết quả là nhân sỹ 4 phương tụ về trong đó tiêu biểu nhất là Vệ Ưởng, người đã cả đời “làm cách mạng” dùng biến pháp đưa nước Tần hùng mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự, đặt nền móng cho nước Tần của Doanh Chính hơn 100 năm sau này.

Nước Úc năm 2005. John Howard là thủ tướng “bất khả chiến bại” khi liên tục 4 nhiệm kì được bầu làm người đứng đầu bộ máy hành pháp của xứ sở Kangaroo. Jeremy là một chàng trai trẻ bất mãn với quan điểm cứng rắn của ông thủ tướng đương nhiệm. Cùng hai người bạn của mình, anh đã lập nên phong trào GET UP: kêu gọi người dân viết thư cho chính trị gia mà mình bầu. Thật bất ngờ hàng chục nghìn bức thư dân nguyện đã được gửi đến các vị chính trị gia. Chính phủ Úc coi rằng đây là “thư rác”. Như có cây đũa thần chạm vào, khi lòng tự ái bị tổn thương, hàng chục nghìn người và nay là cả triệu người đã tham gia phong trào này. Điều này biến GET UP thành một phong trào dân sự có ảnh hưởng lớn tới cục diện chính trị Úc. Hiện phong trào đã tồn tại được 15 năm, quyên được hàng triệu đô la Úc và là một thành tố chính trị không thể xem thường ở Úc. Một sáng kiến, một tia lửa nhỏ đến từ những người hết sức nhỏ bé có thể tạo nên tác động lớn.

Ngay tại Việt Nam cũng đã có những trường hợp nhân viên bị đuổi khỏi công ty vì có những ”ý tưởng quái lạ” và giờ đây họ cũng đứng đầu một công ty content và martech hàng đầu Việt Nam. Nguyễn Hà Đông - flappy bird liệu có cơ hội phát triển ý tưởng của mình và trở thành triệu phú không nếu anh vẫn còn ở công ty cũ.

Những câu chuyện trên thì có liên quan gì đến việc Tổng giám đốc xin ý kiến nhân viên? Trong các cuộc đào tạo về quản trị sự thay đổi, tạo động lực hay thúc đẩy sự đổi mới trong tổ chức. Chúng tôi làm một bài test nho nhỏ: hãy nêu lên 1 sáng kiến giúp doanh nghiệp của bạn phục vụ khách hàng tốt hơn hoặc một sáng kiến để mỗi người yêu nơi mình làm việc hơn. Kết quả thật bất ngờ, hàng chục thậm chí cả trăm ý kiến, sáng kiến được nêu lên từ những vị lãnh đạo cao cấp hay một nhân viên nhỏ bé. Có những sáng kiến chiến lược đủ dùng trong cả thập kỉ, có những ý kiến bay là là mặt đất nhưng lại vô cùng thiết thực và hữu ích, tiết kiệm được bao thời gian công sức hoặc làm cho người lao động thêm yêu công ty.

Tưởng tượng xem nếu doanh nghiệp có các Innovation workshop như vậy được tổ chức thường xuyên, có hệ thống collect sáng kiến một cách chủ động và chân thành thì chất lượng sản phẩm và dịch vụ sẽ được cải thiện như thế nào?

Thậm chí nếu TGĐ viết thư/phát biểu cầu thị và chân thành trên radio công ty/Youtube công ty/ Ngày hội sáng kiến của công ty thì theo các bạn nhân viên có “dám” viết thư không? Hiệu quả sẽ thế nào?

Nguyễn Đình Thành

Đồng sáng lập Elite PR School