Hiện nay, chỉ trung bình khoảng 5 năm tích lũy kinh nghiệm, cùng một số thành tựu đạt được nhờ chăm chỉ làm việc, nhân sự trẻ tài năng sẽ nhanh chóng được chuyển tiếp lên vai trò mới – Vai trò người quản lý. Ở lần đầu tiên, tin chắc bạn phải thốt lên đầy tự hào “Quào, mình giỏi thật đấy, tuyệt quá” – thật đúng là một bước chuyển quan trọng trên chặng đường phát triển sự nghiệp cá nhân phải không?
Tôi nhớ đến hình ảnh mình những giai đoạn đầu,mình đã có sự tự tin rất nhiều vì đạt được vào danh hiệu được đánh giá cao về chuyên môn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Nên khi được thăng chức, tôi đã rất nôn nóng muốn thể hiện nhiều hơn nữa tài năng quản lý của mình để vừa giúp sếp một tay, vừa để chứng minh là sếp đã biết chọn mặt gửi vàng. Khi giao việc cho nhân viên, tôi luôn muốn kiểm soát từng bước hoàn thành công việc để đảm bảo kết quả như ý nhất có thể. Sự kiểm soát lên đến đỉnh điểm khi một vài nhân viên làm không đúng những bước tôi gợi ý, theo định hướng đã vạch ra ban đầu nên kết quả không như mong đợi của mình. Sự việc đã thực sự khiến tôi mất bình tĩnh, la lớn tiếng, gây áp lực lên cá nhân nhân viên ấy và cả nhóm đang quản lý. Bình tâm nhìn lại tôi chỉ thấy công việc thì không đạt kết quả như ý, còn bản thân thì cảm thấy thật đơn độc vì không thể chia sẻ tâm trạng lúc này, không tìm thấy sự gắn kết với nhân viên, cảm giác như không ai hiểu tại sao mình lại làm vậy và không ai hiểu mong muốn của mình để làm cho đúng. Nếu cứ tiếp tục thực trạng này thật không ổn cho cả bản thân mình và cả nhóm mình, nên tôi đã tìm đến nhiều tư vấn từ những người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực quản lý để điều chỉnh từng chút một.
 

 
Qua nhiều trải nghiệm thực tế và học được từ những người thầy là các vị sếp yêu quý của mình, tôi chia sẻ một số kinh nghiệm quản lý nhóm với hy vọng sẽ giúp ích được bạn trẻ đang trong tình trạng khó khăn khi lần đầu thay đổi vai trò lớn trên chặng đường phát triển nghề nghiệp:

  1.     Điều quan trọng nhất luôn là Lý do – Tại sao bản thân bạn cần phải làm việc này? Hãy luôn tự hỏi và tự trả lời lý do thuyết phục bản thân mình trước tiên? Hoàn thành xong việc cần làm thì có giúp ích được gì cho bản thân và cho nhóm làm việc không? Lý do mình cần làm và lý do mà nhóm nhận ra cần thiết có điểm chung với nhau không? Nhân viên của bạn họ có nghĩ như bạn không? Nếu họ không hiểu thì làm sao mà họ làm & sáng tạo để giải quyết các vấn đề phát sinh tốt được?
  2.     Hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của bản thân – Trên đời này không có ai là hoàn hảo hay giỏi hết tất cả các mặt. Mặc dù chúng ta không thể phủ nhận khả năng học hỏi và nắm bắt nhanh. Ồ, nếu bạn có kỹ năng học hỏi và nắm bắt vấn đề nhanh thì chúc mừng, đó là điểm mạnh đáng giá của bạn so với hàng triệu bạn trẻ ngoài xã hội kia. Nhưng hãy nhớ rằng, không ai thật sự hoàn hảo, cho dù là người có chỉ số IQ cao ngất ngưởng cũng luôn có những điểm yếu. Vậy nên việc cần làm là hãy luôn cố gắng cải thiện điểm yếu, phát triển điểm mạnh của bản thân.
  3.     Tìm hiểu về điểm mạnh & điểm yếu của các thành viên – Hãy hiểu về nhóm của bạn như cách bạn khám phá, trải nghiệm  để hiểu được bản thân mình. Áp dụng vào quản lý nhóm, bạn phải luôn tìm cách phát triển kỹ năng của nhân viên do đó càng cần phải trò chuyện, đưa ra các tình huống để quan sát và phát hiện ra điểm yếu, điểm mạnh của từng thành viên. Từ đó, có những kế hoạch phát huy trong công việc hay kế hoạch đào tạo phát triển, liên kết bổ trợ giữa các cá nhân để tăng sức mạnh cho nhóm. Người quản lý giỏi là biết dùng người phù hợp, biết tạo điều kiện để nhân viên có thể phát huy hết khả năng, tỏa sáng trong sự nghiệp, khiến cho họ đi làm mà như đang tận hưởng mỗi ngày làm việc.
  4.     Học cách giao việc cụ thể - Giao việc là một trong những “tip” quản lý thần kỳ theo tôi thấy. Giao đúng việc cho đúng người bạn sẽ thấy điều kỳ diệu khi sức mạnh tập thể được tăng lên nhiều lần; cùng lúc liên kết đội nhóm có thể giúp bạn hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ mà một mình không làm xuể hoặc sẽ rơi vào tình cảnh quá tải công việc. Nhưng có một sự thật là kỹ năng này không tự nhiên có, mà cần được rèn luyện và quan sát để đạt được sự thành thạo theo thời gian. Hãy luyện tập để ý & lắng nghe đối tượng được bạn giao việc sẽ cần gì để cung cấp và hỗ trợ khi họ gặp khó khăn cho tới khi hoàn tất công việc. Kinh nghiệm tôi rút ra là khi giao việc luôn kèm theo tóm tắt thông tin thật rõ ràng và đầy đủ, thường xuyên thăm hỏi để hỗ trợ.Trong quá trình làm việc hãy tạo không khí thoải mái, dễ dàng chia sẻ khó khăn, cùng suy nghĩ những giải pháp gỡ rối sáng tạo. Cũng như bạn khi bắt tay làm việc của mình, thì người nhận việc cũng cần phải hiểu thật sâu thì mới có thể làm tốt và phát huy sự sáng tạo trong công việc. Người quản lý giỏi có thể truyền cảm hứng làm việc say mê đến nhân viên thông qua việc phát triển và khám phá những tài năng tiềm ẩn của nhân viên. Hãy cho nhân viên bạn niềm tin là họ có khả năng, không hề vô dụng, nhất định bạn sẽ ngạc nhiên khi họ trả kết quả công việc và những tiến bộ trong kỹ năng làm việc của họ.
  5.     Không ngừng nâng cấp bản thân – Thế giới thay đổi không ngừng, chỉ vài tháng trước người ta còn dùng Iphone X là thời thượng thì nay đã lỗi thời khi Iphone Xmas ra đời. Khoảng chục năm về trước, người ta từng mơ ước có robot hiểu tiếng người để sai bảo lặt vặt như trong truyện Doraemon, thì nay đã có cả robot kiêm phục vụ trong các khách sạn cao cấp của người Nhật. Do đó, bản thân cần phải không ngừng cập nhật kiến thức, phát triển kỹ năng để không bị “hụt hơi” trước yêu cầu ngày càng phức tạp và đa dạng của thị trường. Bản thân bạn phải đủ giỏi, đủ tự tin về kiến thức mình có thì mới có thể dẫn dắt và đào tạo, hỗ trợ nhân viên của bạn phát triển cùng bạn trên đường dài sự nghiệp được.
  6.     Hãy luôn nuôi dưỡng sự sáng tạo – Tôi đã từng nghĩ chi khi mình còn bé, vô lo vô nghĩ thì mới có thể bay bổng sáng tạo. Thực tế lại ngược lại, sự sáng tạo là kỹ năng đã có sẵn trong mỗi người chúng ta, chỉ chờ đòn bẩy phù hợp để phát huy thôi. Vậy nên, bạn đừng suy nghĩ là tôi lớn rồi làm sao mà sáng tạo được nha. Hãy luyện tập qua việc quan sát, tự luận vấn đề, phản tư và tìm cách giải quyết những chỗ không phù hợp, không hoạt động như kỳ vọng. Còn giải quyết làm sao thì có nhiều cách lắm, cách này không được thì còn cách khác, hãy cố gắng suy nghĩ sâu, giải quyết vấn đề thật sáng tạo. Đây là kỹ năng quan trọng để bạn lèo lái, hướng dẫn nhóm mình đi qua những giai đoạn khó khăn bất ngờ, ví như đợt dịch Covid-19 lần này. Doanh nghiệp nào càng sáng tạo, càng dễ dàng đứng vững và vượt qua khủng hoảng, thậm chí tăng doanh thu nữa.

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ một câu nói quen thuộc “nếu muốn thay đổi thế giới hãy thay đổi chính mình”. Tự phát triển luôn là “key word” giá trị qua bao nhiêu năm tháng, dù bạn ở vị trí nào trong chặng đường chinh phục đỉnh cao nghề nghiệp. Tin rằng với một phương pháp tư duy đúng, định hướng đúng thì điều kỳ diệu nào cũng có thể xảy ra.
Chúc các nhà quản lý trẻ thành công!