Bỏ ra 50,7 tỷ đồng đầu tư vào chuỗi cầm đồ

Tại thời điểm kết thúc năm ngoái, vốn điều lệ của Vietmoney ở mức 92,33 tỷ đồng. Năm 2020 là năm và hoạt động tăng vốn của công ty cầm đồ này diễn ra sôi động, tăng vốn từ 22,7 tỷ đồng lên 69,1 tỷ đồng (cuối tháng 8/2020), và từ 69,1 tỷ đồng lên 92,33 tỷ đồng (tháng 12/2020).

Vietmoney được thành lập vào tháng 9/2016, vốn điều lệ ban đầu 9 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm ông Trịnh Văn Phương (55%), công Lý Hoàng Tuấn (40%) và ông Lê Quang Vũ (5%). Theo giới thiệu, nhóm cổ đông sáng lập Vietmoney thuộc thế hệ 8x, xuất thân từ ngành ngân hàng và các công ty công nghệ có tiếng tăm như FPT, VNG.

Ông Trịnh Văn Phương (Kelvin Phuong) – Tổng giám đốc từng có nhiều năm làm việc vị trí quản lý tại các nhà băng như Techcombank, MBBank, ANZ.

Bên cạnh Digiworld, Vietmoney công bố đã nhận được vốn đầu tư từ quỹ Probus Opportunities (Thụy Sĩ). Năm 2018, công ty nhận đầu tư vòng hạt giống từ quỹ Indochine Investment.

Ông Trinh Văn Phương từng chia sẻ hồi tháng 10 năm ngoái, Vietmoney có kế hoạch mở lên 100 chi nhánh, phủ sóng 28 tỉnh thành, vận hành theo mô hình O2O (kết hợp cửa hàng truyền thống và online). Ông Phương cho biết giao dịch online chiếm 60% tổng giao dịch hàng tháng của toàn bộ chuỗi cầm đồ Vietmoney.

Mô hình của Vietmoney tương đồng với mô hình của F88 được sáng lập bởi ông Phùng Anh Tuấn (Tuấn Pat), chuỗi cầm đồ hiện đã có gần 330 phòng giao dịch trên toàn quốc.

Ông Đoàn Hồng Việt chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên ngày 6/4 rằng người sáng lập Digiworld rất giống với ông 15 năm về trước, trẻ trung - chân thành. Và với ông, yếu tố quan trọng nhất là con người, ở đây là sự chân thành, nhiệt huyết của người sáng lập.

Tăng trưởng 133% lãi sau thuế trong quý 1/2021, ước đạt 105 tỷ đồng

Chiều ngày 6/4/2021, CTCP Thế giới số (Digiworld, DGW) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, thông qua tình hình kinh doanh năm 2020 cũng như lên kế hoạch cho năm tiếp theo.

Năm 2021, DGW kỳ vọng doanh thu vào mức 15.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng. Trong đó, mảng laptop dẫn đầu mức tăng với 59%, mảng điện thoại di động cũng lạc quan với mức tăng 55%, dự đóng góp 7.500 tỷ đồng vào doanh thu chung.

95841990d4b926e77fa8-1617704041.jpg
Chú thích ảnh

Riêng mảng laptop, năm 2021 với sự đóng góp thêm từ thương hiệu Apple và Huawei, đại diện DGW nhấn mạnh tự tin đạt được 5.000 tỷ doanh thu từ mảng này, tức tăng 59% so với năm 2020. Đây cũng là mảng tăng trưởng mạnh nhất của DGW trong năm nay.

Riêng quý 1/2021, Công ty ước đạt 5.005 tỷ doanh thu, tương ứng thu về 105 tỷ lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 117% và 133% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là mảng di động với mức tăng 120%, tương ứng doanh thu vào đóng góp 2.834 tỷ đồng, chiếm 57% tổng doanh thu Công ty. Mảng laptops, máy tính xách tay tiếp tục tăng 71% và thu về 1.372 tỷ doanh thu, chiếm 27% tổng doanh thu. Hai mảng còn lại gồm thiết bị văn phòng tăng 64% (đạt 718 tỷ doanh thu, đóng góp 14%) và mảng hàng tiêu dùng tăng 24% lên 81 tỷ doanh thu.