Cuối tuần được chút thời gian rảnh rỗi, ngồi đọc lại Tam quốc Diễn nghĩa (tác phẩm yêu thích một thời của mình). So sánh chéo với các tác phẩm về cùng thời kỳ khác mới thấy có quá nhiều sạn:

1. Quá nâng bi nhà Thục Hán đến mức bóp méo lịch sử. Chiến thắng Xích Bích công của Chu Du thì giờ lại thành của Khổng Minh. Người chém Hoa Hùng là Tôn Kiên thì bị đổi thành Quan Vũ. Bao nhiêu sự thối nát tranh giành quyền lực của các đại thần Thục Hán bị quên mất: Pháp Chính, Phí Y... Tào Tháo thì bị gán cho bao nhiêu tội nghiệt để khắc hoạ hình ảnh phản diện. Trong khi một kẻ lừa chủ, dối bạn, coi nhẹ vợ con, giả nhân giả nghĩa, ăn cắp hết thiên hạ như Lưu Bị thì lại được bào chữa bằng “tấm lòng với Hán thất”.

2. Tập trung bơm thổi quá nhiều cho Quan Vũ, Gia Cát Lượng và Triệu Tử Long để tạo “thần”. Ngoài vụ chém Hoa Hùng thì Quan Vũ còn nhận vơ vụ qua 5 ải chém 6 tướng và vụ đánh cờ trong khi đưa tay cho Hoa Đà cạo xương. Một người ngạo mạn, kiêu căng, mất lòng đối tác (Tôn Quyền), đồng đội (Hoàng Trung, Khổng Minh), cấp dưới (Mi Phương), thua hết trận này đến trận khác nhưng lại được khắc hoạ thành một vị chiến tướng bất bại có đủ nhân lễ nghĩa trí tín. Khổng Minh ngoài trận Xích Bích (và trước đó là Tân Dã, cần kiểm lại thêm) thì còn nhận vơ Không thành kế (200 năm sau đấy mới có) và bản quyền tác giả của ngựa gỗ, nỏ liên châu (tác giả nên là Hoàng Nguyệt Anh/Hoàng Thừa Ngạn/Mã Quân). Thậm chí, những khiếm khuyết của ông cũng được tìm cách che đậy như Nguỵ Diên bị gán cái nhãn trên đầu là phản cốt để lý giải lý do không dùng... Triệu Tử Long thì nhận được thêm trận Trường Bản, công cứu A Đẩu và công cứu Lưu Bị sau trận Di Lăng vốn là của Trần Đáo. Triệu Tử Long cũng được liệt kê nhầm vào Ngũ Hổ tướng trong khi ông chưa bao giờ được ở trong ấy. Đẹp trai, ăn mặc thời trang (áo bào trắng) xe xịn (ngựa bạch) có lợi thật.

3. Ở chiều ngược lại thì Trương Phi bị thô lỗ hoá để thêm màu sắc cho bộ 3 kết nghĩa. Là người giàu có và có “chữ” nhất, nho nhã nghệ sĩ nhất (thư pháp và vẽ tranh đều rất đẹp), đẹp trai nhất (ngắn gọn 2/2 con gái của ông đều là hoàng hậu) nhưng ông bị miêu tả xấu xí, thô lỗ, xay xỉn và có phần ngu ngốc. Đúng là trong các tác phẩm nghệ thuật cũng như trong đấu thầu, đôi khi sẽ cần dìm người khác một tí để mình nổi lên.

4. Tác giả thiếu kiến thức về địa lý đến mức nhầm lẫn. Đọc thì thấy hình như có 2 thành Kinh Châu và Tương Dương, nhưng thực ra chúng là một. Thêm một vài trường hợp nữa, để nhớ lại rồi edit sau.

5. Tác giả cuồng Thục Hán đến mức phải tìm ra lý do để đổ thừa cho thất bại của nó là do hoạn quan Hoàng Hạo, A Đẩu ngu si, Khương Duy đau bụng hay mệnh trời đã hết mà không giải thích được tại sao những việc ấy có thể xảy ra ở ngay dưới mắt người trời Gia Cát Lượng và tại sao sau khi bị chiếm, cậu A Đẩu ngày ấy lại tự dưng trở nên thông minh khôn khéo đến vậy dưới mắt sử gia.

Nói chung là không phải quyển sách nào hay, hợp lý thì cũng đều là đúng, đều là sự thật. Kể cả đó là quyển sách đó đã từng được ta và bao thế hệ cha ông thích và gối đầu giường.

Đừng bao giờ tin một cách máy móc vào bất kỳ tác giả nào. Nên tư duy, đối chiếu, so sánh và kiểm tra lại với những nguồn khác và với những gì ta đã biết. Việc thử áp vào thực tế công việc cụ thể cũng giúp ta gần với chân lý hơn.

Nhất là khi đọc Jim Collins.

P/s: biết là sẽ bị ném đá nhưng thôi lâu lâu cũng phải thể hiện quan điểm tí ka ka