Ngày 16/7/2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã xử phạt Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) 85 triệu đồng vì vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin trong lĩnh vực chứng khoán.

Cụ thể, công ty đã không công bố một loạt báo cáo tài chính và tài liệu quản trị quan trọng trong suốt hơn 3 năm, bao gồm:

- Báo cáo tài chính kiểm toán các năm 2022, 2023, 2024 và quý 1/2025

- Báo cáo tài chính quý từ Q4/2022 đến Q1/2025

- Báo cáo thường niên 3 năm liên tiếp

- Báo cáo quản trị công ty từ năm 2022 đến 2024

- Tài liệu và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên từ 2023 đến 2025

Việc không công bố các thông tin bắt buộc này là hành vi vi phạm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông và sự minh bạch của thị trường.

hung-vuong-hvg-giau-bao-cao-tai-chinh-3-nam-om-no-3000-ty-truoc-khi-bi-xu-phat-1-1752804400.jpg

► Hùng Vương chìm trong nợ nần, ngừng công bố báo cáo tài chính

 

Từng được mệnh danh là “ông vua cá tra” với doanh thu hơn 17.800 tỷ đồng năm 2016, Hùng Vương bắt đầu lao dốc từ năm 2017 khi báo lỗ hơn 700 tỷ đồng. Năm 2018 có chút khởi sắc với 16 tỷ lãi ròng, nhưng đến 2019 lại ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 1.123 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên gần 1.500 tỷ đồng.

Doanh thu năm 2019 giảm mạnh còn 4.100 tỷ đồng. Từ sau đó, Hùng Vương gần như không công bố bất kỳ báo cáo tài chính nào, ngoại trừ quý I/2020.

Gánh nặng 3.000 tỷ đồng nợ ngân hàng

Trước khi dừng công bố báo cáo tài chính, Hùng Vương đã vay ngân hàng khoảng 3.000 tỷ đồng, trong đó gần 2.500 tỷ là từ hai ngân hàng lớn: BIDV và Vietcombank.

Khoản vay tại BIDV lên tới 1.870 tỷ đồng, bao gồm 1.860 tỷ đồng tiền Việt và hơn 394.000 USD. Lãi suất dao động từ 8,9% đến 9,2%/năm. Hạn trả cả gốc và lãi là vào tháng 10/2019. Tài sản bảo đảm gồm:

* 19 triệu cổ phiếu AGF cùng tài sản, nhà xưởng, đất đai của AGF

* 8,2 triệu cổ phiếu VTF thuộc sở hữu của Hùng Vương

* 6,3 triệu cổ phiếu TFC và máy móc, hàng tồn kho

* Tài sản của công ty con EUR và HVBT

Khoản vay tại Vietcombank hơn 600 tỷ đồng, với hạn trả muộn nhất vào tháng 5/2018. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và thiết bị tại KCN Tân Tạo (TP.HCM), đất tại Cây Trâm (Cà Mau) và hệ thống máy móc của TFC.

Tại thời điểm năm 2019, Hùng Vương vẫn đang trong quá trình xin gia hạn thanh toán. Toàn bộ dòng tiền thu về được dùng để trả nợ.

hung-vuong-hvg-giau-bao-cao-tai-chinh-3-nam-om-no-3000-ty-truoc-khi-bi-xu-phat-1752804422.png

Tuy nhiên, những tài sản đảm bảo nói trên đang ở trong tình trạng thiếu thanh khoản hoặc mất giá:

* AGF bị hạn chế giao dịch, thị giá chỉ khoảng 2.300 đồng/cổ phiếu

* TFC bị cảnh báo vào năm 2022, hiện giao dịch quanh mức 75.900 đồng/cổ phiếu

* VTF không còn giao dịch trên sàn chứng khoán


Bán tháo tài sản để giải cứu

Ngày 12/4/2025, Hùng Vương đã thông qua kế hoạch thoái vốn và bán tài sản để tái cơ cấu nợ. Cụ thể:

- Tìm đối tác chuyển nhượng toàn bộ 79,58% vốn tại CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF)

- Bán toàn bộ 50,38% vốn tại CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF)

- Thoái toàn bộ 89,99% vốn tại CTCP Thủy sản Hùng Vương Vĩnh Long

- Bán 85% vốn tại Công ty TNHH Hùng Vương Châu Á - đơn vị sở hữu kho lạnh, hoặc bán thẳng kho lạnh nếu cần thiết