Vào thế kỷ 21, trong khi tại Việt Nam vẫn còn nghĩ cách xây dựng thêm chiến lũy và rào cản văn hóa, biến mỗi bộ phim và bản nhạc thành một pháo đài tử thủ thì Hàn Quốc đang chuẩn bị cho làn sóng xâm lược văn hóa Hallyu lần thứ 5.

Điện ảnh Việt Nam èo uột, bị cắt xén theo ý của các nhà kiểm duyệt. Trong khi phim ảnh Hàn Quốc làm về các chủ đề cấm kị như tổng thống ăn hối lộ, quan chức tham nhũng, bạo hành tân binh trong quân đội thoải mái chứ đừng nói các kiểu phim kinh dị, bạo lực cực “u ám” (super dark), các phim hành động, hình sự, thậm chí kinh dị như Extreme Job, Miracle in cell no. 7, Parasite thì tạo nên cơn sốt phòng vé khắp thế giới và ngay cả dân Việt Nam cũng xem. Điện ảnh Hàn Quốc đã đánh bật nhiều bom tấn Hollywood công chiếu cùng thời điểm, bỏ xa điện ảnh Nhật bản và Trung Quốc.

Điện ảnh Hàn Quốc trở thành nền công nghiệp xuất khẩu văn hóa, xuất khẩu kịch bản, xuất khẩu đạo diễn. Hollywood cũng phải thuê đạo diễn người Hàn, mua kịch bản của Hàn Quốc.

Cả nền kinh tế Hàn Quốc ăn theo cuộc xâm lăng văn hóa từ đồ mỹ phẩm, thời trang, đồ điện gia dụng, và cả nghành du lịch cũng ăn theo.

lan-song-hallyu-0-1631713353.jpg
Làn sóng văn hóa Hallyu

Tại sao lại thế?

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Hàn Quốc đã bắt tay thực hiện chính sách cải tổ điện ảnh toàn diện. Phương án tối ưu được lựa chọn là đầu tư vào con người, theo mô hình của điện ảnh Mỹ. Hơn 300 người từ 18 - 25 tuổi, biết tiếng Anh, được chính phủ gửi sang Mỹ đào tạo bằng ngân sách. Việc tiếp xúc với tư tưởng mới từ Mỹ và thế giới đã “khai thông” tư tưởng cho các nhà làm phim, thổi luồng gió tươi trẻ vào điện ảnh Hàn Quốc. Ban Kiểm Duyệt Văn Hóa bị đuổi về quê chăn gà, muối cải làm kimchi.

Hàn Quốc lần đầu tiên có những tác phẩm như chiến dịch Shiri, phim hành động về cuộc chiến giữa đội biệt kích Bắc Hàn và an ninh tình báo Hàn Quốc, một chủ đề nhạy cảm chắc chắn khó lọt vòng kiểm duyệt. Bộ phim Shiri đã chiến thắng vang dội, trở thành ông vua phòng vé, lần đầu tiên qua mặt cả phim Hollywood và là phim bom tấn chiếu cùng thời điểm Titanic.

Năm 2009, tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã tuyên bố: “Văn hóa sẽ là nguồn vốn quyết định kinh tế trong thế kỷ 21. Chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống mà trong đó, tất cả mọi người bất kể đang sống ở đâu và thuộc tầng lớp xã hội nào cũng có thể được trải nghiệm văn hóa trong đời sống hằng ngày”. Ông cho rằng, một đất nước tiến bộ và phát triển bậc nhất không phải chỉ đơn thuần có thu nhập cao, mà là một đất nước có nền văn hóa phát triển ở cấp độ cao cân bằng với sự phát triển của kinh tế.

Chiến lược “xuất khẩu văn hóa” được chính phủ Hàn Quốc không chỉ ủng hộ, định hướng, làm chính sách mà còn cấp vốn. Tiêu biểu nhất là kế hoạch “Korea Plaza” do Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Chung Dong Chea trình lên Tổng thống Roh Moo Hyun. Đây là một dự án “xâm lăng văn hóa” đưa làn sóng Hallyu ra thế giới với mục tiêu cụ thể đầu tiên là thị trường châu Á. Trong những chuyến thăm của các đoàn quan chức cao cấp từ phía chính phủ, phía Hàn Quốc luôn khởi động những đàm phán về hợp tác kinh tế lẫn văn hóa. Các trung tâm văn hóa Hàn Quốc được chính phủ cấp ngân sách thành lập khắp thế giới. Ngay tại trung tâm Potsdamer Platz của thủ đô Berlin có một nhà văn hóa Hàn Quốc được dựng lên và có các buổi trưng bày, biểu diễn về văn hóa Hàn Quốc.

Ngân sách chính phủ dành cho phát triển ngành công nghiệp giải trí liên tục gia tăng. Nếu như năm 1999, chính phủ Hàn Quốc chỉ đầu tư 8,5 tỷ USD thì đến năm 2003 đã lên tới 43,5 tỷ USD. Đây là một trong những bước xây dựng nên một “Hallywood” theo kiểu mẫu Hollywood dựa trên bản sắc dân tộc Hàn.

Người khổng lồ Trung Quốc với nền văn hóa Đại Hán đã phải khuất phục trước làn sóng văn hóa Hàn, từ âm nhạc cho đến điện ảnh, chứ đừng nói gì các bà mẹ bỉm sữa Việt Nam.

242152613-10159648729974530-3006973800308481946-n-1631713353.jpg
Ảnh: Ban nhạc Hàn Quốc BTS trên tạp chí Forbes với doanh thu $507,9 triệu trong khi cả thế giới lockdown

Làn sóng văn hóa Hàn Quốc (hallyu) đã không chỉ chinh phục ,“lũng đoạn” thị trường giải trí của nhiều nước Châu Á mà đã len lỏi thâm nhập như một tình báo văn hóa vô hình vào đến thủ đô Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên. Kim Chủ tịch đã phải ra lệnh cấm chị em Bắc Hàn gọi người yêu là “oppa” theo kiểu Hàn Quốc mà phải gọi là “đồng ý nhân” theo đúng chỉ đạo về “tình đồng chí” nếu không sẽ trở thành “kẻ thù của nhân dân”.

Năm 2012, “Gangnam Style” của rapper Psy gây sốt trên toàn thế giới, khiến phương Tây kinh ngạc và trở thành MV lập kỷ lục về số lượng lượt xem trên YouTube.

Theo Chủ tịch của Quỹ Trao đổi Văn hóa Quốc tế Hàn Quốc, làn sóng “hallyu” số 1 là những bộ phim truyền hình lãng mạn đóng mác Hàn Quốc như “Bản tình ca mùa đông”, “Nàng Dae Jang Geum”, “Nấc thang lên thiên đường”, “Vì sao đưa anh tới” v..v.

Những boyband, ban nhạc K-pop đình đám với công thức “sản xuất” công nghiệp, gà được tuyển lựa và đào tạo đưa ra sản phẩm theo nghiên cứu thị trường, bắt mắt, bắt tai là làn sóng “hallyu” số 2.

Mỗi khi làn sóng qua giai đoạn đỉnh cao và bắt đầu có những dấu hiệu bão hòa thì Hàn Quốc đã chuẩn bị lên kế hoạch cho cuộc xâm lăng văn hóa với làn sóng Hallyu mới.

Làn sóng hallyu số 3, tập trung vào những sản phẩm hữu hình như thời trang, ẩm thực, v…v. Chính phủ Hàn Quốc đảm bảo đưa ra chính sách lý tưởng để góp phần thúc đẩy sự bùng nổ của những nền công nghiệp liên quan, như du lịch, quảng cáo, v..v.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hàn Quốc, ông Kim Jong-deok , còn cảnh báo với chính phủ rằng hallyu sẽ mất dần sức hấp dẫn của mình trừ phi tập trung vào việc xuất khẩu văn hóa hữu hìnhvà muốn phát triển bền vững cần phải cởi trói và tạo điều kiện cho các nghệ sĩ để không sản xuất ra những nội dung na ná nhau, không dám làm những thứ mới chưa có trong tiền lệ.

Làn sóng hallyu đã tiếp thêm sinh lực cho ngành công nghiệp giải trí, du lịch, quảng cáo và giúp gây dựng hình ảnh đẹp cho đất nước Hàn Quốc. Sự thành công của các làn sóng Hallyu được chính phủ Hàn Quốc biến thành chiến lược marketing cho làn sóng thứ 3 - làn sóng kinh doanh văn hóa.

Như các bạn đã thấy các nhà hàng Hàn Quốc, thẩm mỹ viện Hàn Quốc, mỹ phẩm Hàn Quốc, cửa hàng thời trang Hàn Quốc mọc như nấm sau mưa.

Đồ điện tử Hàn Quốc đã vượt mặt đồ điện tử Nhật bản. Nếu trước năm 2000, nói đến đồ điện tử phải nói Sony, còn ngày hôm nay sẽ là Samsung.

Ở làn sóng thứ 4 là đỉnh cao thế giới, điện ảnh Hàn Quốc tranh đoạt Oscar tầm thế giới. Cụ bà hàn Quốc 74 tuổi, Youn Yuh-jung được mời làm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS).

Trong lĩnh vực âm nhạc, Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) cho biết, BTS đã thống trị doanh số bán hàng âm nhạc thế giới năm 2020. Nhóm này giành 2 vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng album bán chạy nhất và bán chạy thứ 2 của năm. Bảng xếp hạng kết hợp doanh số toàn cầu của lượt tải xuống, album đĩa và kỹ thuật số để xếp hạng những album hàng đầu của năm. Theo Giám đốc điều hành IFPI, ông Frances Moore, thành tích của nhóm nhạc Hàn Quốc này là “chưa từng có và chứng tỏ âm nhạc của họ có sức hút toàn cầu đáng kinh ngạc”.

Theo báo cáo của Cơ quan Nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) năm 2017, xuất khẩu K-Pop đã đưa âm nhạc nước này thành một ngành trị giá khoảng 5 tỷ USD. Trong lúc cả thế giới đại dịch, các rạp chiếu phim đóng cửa, các show ca nhạc bị hủy bỏ, BTS đã tổ chức show nhạc online và kiếm được $507,9 triệu đô la Mỹ trong năm đại dịch 2020. BTS giúp thúc đẩy phát triển xuất khẩu hàng tiêu dùng, mỹ phẩm và quần áo của Hàn Quốc sang nước ngoài được ước tính lên tới hơn 1 tỷ USD. Theo KOCCA, cứ mỗi 100 USD nhạc Hàn được tiêu thụ ở nước ngoài thì có thêm 395 USD hàng điện tử như điện thoại di động hay tivi được xuất khẩu.

Thanh niên, trẻ con Mỹ, phương Tây giờ đang học ngoại ngữ tiếng Hàn, một ngôn ngữ trước đây chục năm hoàn toàn xa lạ. Các bạn đã ngạc nhiên chưa?

Trong khi đó ở Việt Nam, đang cải lùi cấm Trần Anh Hùng đạp “xích lô” vì xã hội Việt Nam tốt đẹp không xấu xa như trên phim, nhân dân học theo thói xấu thì sao nhưng phim ảnh ngoại nhập tràn lan và tạo điều kiện cho thanh niên Việt Nam đi theo Trần Hạo Nam vác dao tông học làm “Người trong giang hồ”.

Đến bao giờ lãnh đạo của chúng ta sẽ nghĩ đến chiến lược thương hiệu quốc gia?

Tác giả: Viet Tran