Foxconn, nhà sản xuất hợp đồng lớn nhất thế giới, chịu trách nhiệm lắp ráp một loạt sản phẩm cho các thương hiệu nổi tiếng như Google, Apple, Amazon, Microsoft,…, dự kiến sẽ phải đối mặt với những bất ổn và thách thức lớn do đổi mới công nghệ trong năm 2022, theo ông Young Liu, chủ tịch Foxconn.

“Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều thách thức hơn nữa trong năm 2022 nhưng điều đó cũng mang lại những cơ hội mà chúng tôi chưa thấy trong nhiều thập kỷ,” Liu cho biết.

Ông nhấn mạnh hai xu hướng lớn tiếp theo trong ngành công nghệ là xe điện và vũ trụ ảo. Foxconn đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực này và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cả phần mềm lẫn phần cứng.

fo-juiq-1643535738.jpeg

Nhằm đáp ứng xu thế phát triển vũ trụ ảo, Liu cho biết tập đoàn trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào thúc đẩy năng lực bán dẫn của mình – điều ông coi là chiến lược quan trọng để tăng giá trị của thương hiệu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Foxconn đã mua lại một nhà máy chip ở Tân Trúc - trung tâm chất bán dẫn quan trọng nhất Đài Loan (Trung Quốc) - để phát triển chip cho ô tô. Đồng thời, công ty cũng nắm giữ cổ phần tại DNeX và cũng là cổ đông lớn nhất của nhà máy chip tại Malaysia này.

Cơ sở thử nghiệm chip của Foxconn tại Trung Quốc cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động. Song song, công ty cũng bắt tay hợp tác với Stellantis, nhà sản xuất ô tô số 4 thế giới, để thiết kế chip cho ô tô kết nối.

Còn với xe điện, Foxconn vài ngày trước đã thông tin tới báo chí rằng tập đoàn đã hợp tác với Bộ Đầu tư Indonesia và một số công ty nhằm hỗ trợ phát triển ô tô điện (EV) tại quốc gia này.

Vào ngày 21/1/2022, Foxconn đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về đầu tư trên phạm vi rộng trong lĩnh vực EV, bao gồm sản xuất pin với Bộ Đầu tư Indonesia cũng như Tập đoàn Pin Indonesia, công ty năng lượng PT Indika Energy và nhà cung cấp EV Gogoro của Đài Loan.

Trong vài năm gần đây, nhà sản xuất iPhone chính của Apple đã công bố các hợp đồng với startup xe điện Mỹ Fisker Inc và tập đoàn năng lượng PTT PCL của Thái Lan.

Năm 2021, Foxconn đã mua lại một khu phức hợp sản xuất từ startup xe điện của Mỹ Lordstown ở Ohio và cho ra mắt ba nguyên mẫu xe điện đầu tiên vào tháng 10. Công ty đã đầu tư vào nhà máy sản xuất xe tay ga của Đài Loan - Gogoro để mở rộng sự hiện diện của mình trong các loại xe điện hai bánh và pin.

"Trong tương lai, xe bus điện do chúng tôi tự phát triển sẽ lăn bánh trên đường tại Cao Hùng - Đài Loan", ông Liu nói.

Foxconn đã kết thúc năm 2021 với mức doanh thu kỷ lục 5.930 tỷ Đài tệ, tăng 11% so với năm trước. Lãi ròng đạt 94,9 tỷ Đài tệ, tăng 70% bất chấp những ảnh hưởng do tình trạng thiếu chip và linh kiện toàn cầu.