baring-private-equity-asia-1621333704.jpg
Baring Private Equity Asia

Ngày 18/5, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group - Mã: MSN) và nhóm các nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia đã công bố ký kết thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX (TCX) với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD, tương đương với 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành.

Trong hai đối tác chính vừa rót vốn vào công ty con của Masan, Alibaba là cái tên không xa lạ sau những thương vụ đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử; còn Baring Private Equity Asia vẫn khá kín tiếng tại Việt Nam.

Theo tìm hiểu của người viết, Baring Private Equity Asia (BPEA) được biết đến là một trong những quỹ đầu tư thay thế lớn nhất và lâu đời nhất tại Châu Á, với tổng số vốn cam kết đầu tư lên tới hơn 20 tỷ USD. 

Công ty này sở hữu một loạt các khoản đầu tư, tài trợ mua lại và cung cấp vốn tăng trưởng cho các công ty nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu mua bán, sáp nhập (M&A). Ngoài ra, BPEA cũng quản lý các quỹ đầu tư chuyên dụng tập trung vào lĩnh vực bất động sản và tài chính. 

BPEA có lịch sử hoạt động 23 năm và hơn 180 nhân viên làm việc tại các văn phòng ở Hồng Kông, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Úc và Mỹ.

Định hướng của quỹ này là đặc biệt tập trung vào khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cũng như đầu tư vào các công ty trên toàn cầu có thể hưởng lợi trực tiếp từ việc mở rộng sang khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Hiện, danh mục đầu tư của BPEA có hơn 40 công ty đang hoạt động tại châu Á với tổng số 224.000 nhân viên và doanh thu khoảng 39 tỷ USD.

Đối tượng nhắm đến của quỹ đầu tư này thường là các doanh nghiệp có giá trị từ 300 triệu đến 1,5 tỷ USD. Đây thường là các công ty dẫn đầu thị trường trong một mảng kinh doanh, sở hữu tốc độ phát triển mạnh mẽ và do đó có nhu cầu tài trợ vốn cổ phần. BPEA rót vốn vào các công ty tại châu Á nhằm nắm quyền chi phối hoặc sở hữu một lượng cổ phần đáng kể.

Đặc điểm chính trong chiến lược đầu tư của BPEA là cách tiếp cận theo định hướng tăng trưởng. Cụ thể, BPEA xác định các đối tượng tiềm năng trong quá trình thẩm định thông qua ba “động lực tạo ra giá trị” đó là: cải tiến hoạt động; mua lại nền tảng; và chiến lược xuyên biên giới của doanh nghiệp.

BPEA thường thoái vốn tại các khoản đầu tư khi doanh nghiệp tiến hành niêm yết cổ phiếu hoặc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Trong lịch sử hoạt động, công ty quản này đã thực hiện 63 thương vụ thoái vốn, mang về 7 tỷ USD tiền mặt cho các đầu tư.

Tại Việt Nam, trước khi rót vốn vào The CrownX, BPEA đã có một khoản đầu tư trực tiếp vào Trung tâm Anh ngữ VUS từ tháng 12/2019 và nắm quyền kiểm soát tại đây.

01-1621332618.jpg
Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ. (Nguồn: VUS)

VUS là một trong những trường Anh ngữ lâu đời nhất tại Việt Nam, được thành lập cách đây hơn 20 năm. Phần lớn các cơ sở đào tạo của VUS nằm tại TP Hồ Chí Minh và đang mở rộng các địa điểm mới tại Hà Nội, Bình Dương và Vũng Tàu.

Giới thiệu trên website, VUS cho biết liên tục là một trong những nhà tuyển dụng giáo viên tiếng Anh lớn nhất tại Việt Nam. Hiện, VUS đang sử dụng hơn 2.000 chuyên gia giảng dạy tiếng Anh để giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam và sử dụng khoảng 1.200 nhân viên quản lý và hỗ trợ. 

Ngoài khoản đầu tư tại VUS, BPEA cũng rót vốn vào Tập đoàn Tài chính Shinhan, tổ chức tài chính lớn nhất Hàn Quốc với hơn 1.500 chi nhánh và quy mô tổng tài sản 488 tỷ USD. Tập đoàn Shinhan hiện đang có nhiều hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với cái công ty con nổi bật nhất là Ngân Hàng Shinhan Việt Nam.

z2498207509161-803db2562cac8fab03125e842e7f707a-1621332912.jpg
Chi tiết khoản đầu tử của BPEA vào Trung tâm Anh ngữ VUS. (Nguồn: BPEA)

Trở lại với thương vụ tại The CrownX, công ty con của Masan Group được định giá 6,9 tỷ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (xấp xỉ 2.150.000 đồng). Sau đợt phát hành này, tỷ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%.

Trong khuôn khổ của giao dịch, The CrownX sẽ hợp tác với Lazada để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Công ty, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online (O2O) tại Việt Nam. Giao dịch này củng cố tầm nhìn của các cổ đông về tiềm năng xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ ứng dụng công nghệ đầu tiên của Việt Nam, đồng thời mở rộng phạm vi phục vụ người tiêu dùng trên toàn quốc.

Chia sẻ về thỏa thuận hợp tác này, bà Janice Leow, Giám đốc Điều hành tại BPEA phát biểu: “Chúng tôi rất vui mừng khi hợp tác cùng Masan và Alibaba. Tôi tin rằng thỏa thuận đầu tư chiến lược này sẽ góp phần thúc đẩy The CrownX phát triển vượt bậc và xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng – bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn thị trường vẫn còn non trẻ. Là nhà đầu tư dài hạn, chúng tôi tin rằng thị trường Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng, được hỗ trợ bởi các xu hướng kinh tế vĩ mô thuận lợi và đặc biệt là lợi thế dân số trẻ. The CrownX là một doanh nghiệp giàu tiềm năng trong lĩnh vực kỹ thuật số, đặc biệt là thương mại điện tử và phân tích dữ liệu. Thúc đẩy chuyển đổi số là một trong những ưu tiên của BPEA khi đầu tư vào các công ty. Chúng tôi rất hào hứng được đồng hành cùng The CrownX trong giai đoạn tăng trưởng sắp tới của Công ty.”