Tập đoàn DOJI do gia tộc họ Đỗ (người sáng lập là ông Đỗ Minh Phú) sang lập và sở hữu nằm trong danh sách 750 doanh nghiệp gia đình lớn nhất thế giới năm 2019.  DOJI là doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đang dẫn đầu thị trường vàng miếng, xét theo doanh thu. Tập đoàn này hiện có sáu công ty liên kết, bảy công ty trực thuộc, hoạt động trong các lĩnh vực vàng bạc đá quý, khai thác mỏ, bất động sản.

Ông trùm lĩnh vực bán lẻ vàng

Từ những năm 1990, khi Việt Nam tìm ra đá quý ở mỏ Lục Yên – Yên Bái, ông Đỗ Minh Phú được giao trọng trách đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc tại Công ty liên doanh đá quý Vigemtech – một công ty liên doanh về đá quý tại Việt Nam.

Là người có nhiều kinh nghiệm và nắm giữ công nghệ xử lý đá quý của Việt Nam lúc bấy giờ, đại gia Đỗ Minh Phú quyết định xây dựng “đế chế” riêng khi thành lập Công ty TNHH Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD (TTD) – tiền thân của Tập đoàn Doji sau này.



ông Đỗ Minh Phú

TTD được thành lập vào ngày 28/7/1994, là doanh nghiệp tiên phong trong hoạt động chuyên sâu về khai thác đá quý, chế tác cắt mài và xuất khẩu đá quý ra thị trường quốc tế.

Tháng 4/2007, TTD đổi tên thành CTCP Vàng bạc Đá quý & Đầu tư Thương mại Doji. Đến năm 2009, doanh nghiệp này đã tiến hành tái cấu trúc và chính thức trở thành CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji (Doji), hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con.

Tại ngày 11/8/2016, Doji có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, trong đó ông Đỗ Minh Phú góp 1.050 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ sở hữu 70% vốn. Phần còn lại được chia đều cho 2 người con của ông Phú là Đỗ Minh Đức và Đỗ Vũ Phương Anh, mỗi người nắm giữ 15% vốn.

Cập nhật đến ngày 20/9/2019, Doji có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Đỗ Minh Đức (SN 1983) đảm nhiệm.

Trong 4 năm trở lại đây, Doji liên tục tăng trưởng mạnh về doanh thu, vượt trội hơn hẳn so với 2 ông lớn cùng ngành là SJC và PNJ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận của ngành kinh doanh vàng không cao, do đó mức lãi thuần hàng năm của Doji khá thấp.

Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Doji lần lượt đạt 47.389 tỷ đồng và 51.840 tỷ đồng; nhưng chỉ báo lãi thuần lần lượt ở 14,3 tỷ đồng và 36,3 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu thuần của Doji đạt 88.920 tỷ đồng, lãi thuần ở mức 150,6 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 40,8% và 88,25% so với năm 2018.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tập đoàn này lãi sau thuế hơn 45 tỷ đồng. Cập nhật tại giữa năm 2020, tổng tài sản của Doji đạt 9.460 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 3.392 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 6,9% và 1,37% so với thời điểm đầu năm.
 

“Hệ sinh thái” của Doji có gì?

Theo giới thiệu trên trang chủ, Doji đang sở hữu 12 công ty thành viên, 5 công ty liên kết góp vốn và 50 chi nhánh, gần 200 trung tâm, cửa hàng trải dài trên toàn quốc cùng với hơn 400 đại lý, điểm bán.
Đối với vàng bạc đá quý, Doji kiện toàn lĩnh vực này bằng loạt công ty thành viên hoạt động phủ khắp trong mọi quy trình từ khai thác, chế tác đến sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.


Được biết, Doji đang sở hữu nhiều viên đá quý có giá trị như: Đại Lam Ngọc – khối Saphia lớn nhất Việt Nam nặng 15 tấn; Bảo Hồng Ngọc – viên Ruby Sao thô quý hiếm nặng 18,88 kg; Hồng Ngọc Thiên Châu – khối đá chứa các tinh thể Ruby màu đỏ quý hiếm dày đặc bao trùm bề mặt đá và đặc biệt là “báu vật triệu đô” – viên Ruby Sao Hoàng Đế nổi tiếng thế giới.

Trong cuộc đời kinh doanh của mình, ông Đỗ Minh Phú thực hiện nhiều vụ thâu tóm, sáp nhập ở những thời điểm khá đặc biệt. Trong 2 năm 2007-2008, thời điểm diễn ra khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp đều co cụm lại, ông Đỗ Minh Phú quyết định thâu tóm một số công ty trong ngành gồm SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng và Công ty cổ phần Đá quý và vàng Yên Bái để tái cấu trúc các công ty do mình sở hữu, đổi tên thành Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, phân chia thành 6 công ty thành viên.

Trước thương vụ thâu tóm, doanh thu của DOJI là 60 tỷ đồng (năm 2006), còn sau đó là 30.000 tỷ đồng (năm 2011) và lên vị trí doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam liên tiếp trong 3 năm (2012-2013 và 2014). Năm 2019, doanh thu của DOJI là 90.000 tỷ đồng và ở trong TOP 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Vị thế ấy càng được củng cố khi Doji cũng hoàn tất thương vụ thâu tóm thành công Công ty TNHH Thế Giới Kim Cương vào đầu năm nay.

Mô tả về thương vụ “rất đặc biệt này”, Doji cho biết Thế giới Kim Cương nằm trong tốp 3 doanh nghiệp bán lẻ trang sức lớn nhất Việt Nam, sở hữu chuỗi 100 cửa hàng, trung tâm tại hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên cả nước.

Thế giới Kim Cương tập trung vào bán lẻ qua kênh phân phối Modern Trade, tức là có cửa hàng tại các trung tâm thương mại và siêu thị thay vì mở các cửa hàng riêng biệt bên ngoài. Trong lĩnh vực trang sức, doanh thu của công ty này ước tính lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
 

Ông chủ ngân hàng TPBank

Ngoài các lĩnh vực kể trên, Doji còn tham gia đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng và dịch vụ ẩm thực.
Năm 2011, sau khi bán Công ty Diana thu về khoảng 184 triệu USD và trước làn sóng M&A ngân hàng, anh em họ Đỗ lập tức chọn mua Ngân hàng Tiên Phong, do Tập đoàn FPT sáng lập.



Thời điểm đó Ngân hàng Tiên Phong nằm trong danh sách 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu của NHNN. Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji và tập đoàn này đã đầu tư vào TPBank với tỷ lệ nắm giữ 20%.

Ngay sau khi tiếp quản ngân hàng ra đời năm 2008 này, hai anh em ông Đỗ Minh Phú – Đỗ Anh Tú đưa ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu thành ngân hàng có mức tăng trưởng 70% trong năm 2017. Ông Tú hiện là phó chủ tịch hội đồng quản trị TPBank. Ngân hàng này đặt mục tiêu trở thành ngân hàng số, với mô hình ngân hàng tự động 24/7 LiveBank. Tính đến cuối năm 2019, mạng lưới chi nhánh ngân hàng gần 300 điểm giao dịch, trong đó ngân hàng tự động LiveBank đạt hơn 200 điểm.

Cổ phiếu TPB lên sàn vào tháng 4.2018 với mức giá 31.000 đồng, tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, đã giảm hơn 31% về giá trị. Trong năm 2019, cổ phiếu ghi nhận đà phục hồi với mức tăng 7%. Với mức 21.300 đồng/cổ phiếu vào lúc kết phiên hôm nay 2.1.2020, vốn hóa nhà băng này ở mức 17.604 tỉ đồng.
Năm 2018, TPBank xếp thứ 18 trong hệ thống ngân hàng về quy mô tài sản và xếp thứ 11/14 ngân hàng có lợi nhuận trên 1.000 tỉ đồng. Tính đến 30.09.2019, quy mô tài sản nhà băng này tăng lên 153.929 tỉ đồng, xếp thứ 16 trong toàn hệ thống với thu nhập lãi thuần 4.129 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.922 tỉ đồng.

Năm 2019 Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế ước đạt 3.868 tỉ đồng, tăng hơn 71% so với năm 2018. Đây là mức lợi nhuận cao nhất kể từ thời điểm thành lập ngân hàng từ năm 2008 đến nay.
 
Tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 1%. Trong năm 2019, nhà băng này cũng cho biết đã tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC với hơn 700 tỉ đồng. Kết quả kinh doanh này tiếp tục giúp TPBank kéo dài tăng trưởng về quy mô tài sản và hiệu quả kinh doanh trong gần 10 năm hoạt động.
 
Tham vọng địa ốc

Bên cạnh vàng bạc đá quý, tập đoàn của đại gia Đỗ Minh Phú còn có mối quan tâm đặc biệt với lĩnh vực bất động sản. Trong đó phải nhắc đến tòa nhà Doji Tower tọa lạc tại số 5 Lê Duẩn, Hà Nội, cao 16 tầng và 3 tầng hầm với tổng diện tích sử dụng 18.883 m2 đang được Doji sử dụng làm trụ sở chính.

“Viên kim cương” giữa lòng Thủ đô chỉ là một trong số những dự án mà Doji theo đuổi kể từ sau khi đặt dấu mốc cho việc tiến vào lĩnh vực địa ốc với việc thành lập Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Doji Land (Doji Land) từ năm 2014.

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao chứng nhận Tòa nhà DOJI Tower là công trình tiêu biểu Chào mừng 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô cho ông chủ Tập đoàn Doji Đỗ Minh Phú.
 
Không chỉ Doji Land, tập đoàn này còn một số thành viên khác cũng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản như Công ty TNHH Bất động sản Blue Star, CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Địa ốc Châu lục, CTCP Khu du lịch Sinh thái Tam Đảo, CTCP Doji Land Hạ Long, …

Với tiềm lực tài chính được tích lũy sau nhiều năm hoạt động kinh doanh vàng bạc đá quý, Doji liên tục thâu tóm nhiều dự án bất động sản.

Tại các thành phố lớn, Doji hiện đang sở hữu nhiều tòa nhà có vị trí đắc địa như tòa nhà Ruby Plaza (số 44 Lê Ngọc Hân, Hà Nội), tòa nhà Ruby Tower (số 81-83-85 Hàm Nghi, quận 1, TP. HCM).


Tập đoàn của ông Đỗ Minh Phú cũng tích lũy được quỹ đất ấn tượng ở nhiều địa phương. Có thể kể đến một số dự án như: Khu đô thị Nam Vĩnh Yên có tổng diện tích 65,6 ha, tổng số vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng; Dự án tổ hợp căn hộ cao cấp và condotel tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh mang tên The Sapphire Residence và Best Western Premium Sapphire Ha Long với tổng diện tích 4,7 ha, tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng. Hay dự án nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có quy mô 220 ha, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Tháng 9/2019, tập đoàn này cũng được đồn đoán là nhà đầu tư đã thế chân TTC Land để trở thành chủ mới của dự án Trung tâm thương mại Hải Phòng Plaza.

Triết lý kinh doanh của gia đình họ Đỗ

Trong một bài chia sẽ với báo giới ông Đỗ MInh Phú nói rằng, các công ty vàng thường xuất thân từ mô hình công ty gia đình. Lúc này, hai người con của ông Phú là Đỗ Vũ Phương Anh và Đỗ Minh Đức đang giữ các vị trí Phó tổng giám đốc tại Doji. Đối với trường hợp của ông và em trai Đỗ Anh Tú, thành công của cả hai đều có nền tảng từ gia đình.

Có thể xem gia đình họ Đỗ là đơn cử cho tầng lớp trí thức làm giàu bài bản tại Việt Nam. Ông Phú là con thứ ba trong gia đình họ Đỗ gồm 11 thành viên là các giáo sư, tiến sĩ ngành cơ khí, y dược và hơn một nửa trong số này đã thành công trong kinh doanh. Cũng như các anh em, ông Phú chịu ảnh hưởng rất lớn từ cha, ông Đỗ Thế Sử, về giáo dục và tinh thần kinh doanh.

Ông Phú chia sẻ: “Lúc còn nhỏ, tuy đông con, nhưng cha tôi chăm rất kỹ. Cứ tối đến, ông bắt chúng tôi ngồi vào bàn học và kiểm tra bài cho từng đứa. Ông bắt chúng tôi học hành phải luôn chiếm vị trí cao nhất. Khi lớn lên, ông dạy chúng tôi 3 chữ “tự” trong công việc và cuộc sống. Phải “tự lực” để luôn chủ động đạt được thành tựu lớn. Phải “tự trọng” để luôn giữ uy tín trong làm ăn. Và phải “tự tôn” để không chấp nhận thua kém, không dễ dãi hài lòng với những thứ đang có”.

Khác với các thế hệ trước, con gái lớn và con trai của ông Đỗ Minh Phú được định hướng để kế nghiệp tại Tập đoàn DOJI. Cô con gái lớn Đỗ Vũ Phương Anh tốt nghiệp khoa Tài chính Ngân hàng Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, sau đó học thêm bằng MBA của Đại học Hawai (Mỹ) và về DOJI giữ vị trí Phó Tổng giám đốc.
Sau đó, Phương Anh được bố khuyến khích học tiếp Tiến sĩ với luận án về quản trị nhân lực đề tài "Khung năng lực cho quản lý cấp trung ở các công ty tư nhân tại Việt Nam". Đây là một đề tài chưa ai thực hiện tại Việt Nam và là nhu cầu của rất nhiều công ty gia đình, trong đó có Tập đoàn DOJI (hầu hết các công ty tư nhân ở Việt Nam là sở hữu gia đình).


"Khái niệm về khung năng lực với quản lý cấp trung ở công ty tư nhân hay công ty gia đình ở Việt Nam có vẻ hơi xa vời nhưng tôi thấy nó rất cần thiết. DOJI đã vào danh sách 750 doanh nghiệp gia đình hàng đầu thế giới, chúng tôi cần có phương pháp luận về khung năng lực để đánh giá người kế nhiệm, người cộng sự để bổ nhiệm chứ không phải theo tiêu chí con ông cháu cha", ông Phú bình luận về đề tài của con gái lớn.

Ông Đỗ Minh Phú và 2 con

Đối với con trai, sau khi tốt nghiệp đại học ở Anh, ông Phú khuyên con mình học tiếp bằng Thạc sĩ về Marketing và một bằng chuyên ngành của Viện Đá quý Hoa Kỳ (GIA). Trở về nước, Đỗ Minh Đức làm trợ lý cho ông Phú khoảng 1 năm để học việc. Trong thời gian này, Đỗ Minh Đức đi làm bằng bằng xe máy như nhiều nhân viên khác. "Nhà tôi thì có điều kiện nhưng công ty không có tiêu chuẩn ô tô cho trợ lý và tôi không mua ô tô riêng cho con", ông Phú giải thích ngắn gọn.

Sau thời gian học việc, Đỗ Minh Đức được điều vào làm Giám đốc chi nhánh DOJI ở TP.HCM – thị trường vàng bạc đá quý cạnh tranh khốc liệt nhất Việt Nam. "Minh Đức sẽ là người điều hành DOJI sau này, phụ trách mảng kinh doanh thì cần thực chiến với các trải nghiệm va đập hàng ngày. Làm giám đốc chi nhánh TP.HCM sẽ cho Minh Đức trải nghiệm sự tự chủ, phải chịu trách nhiệm, phải tính toán nhiều thứ… ra quyết định và chịu trách nhiệm về điều đó".

Sau 3 năm làm giám đốc chi nhánh, trải qua nhiều thử thách, Minh Đức ra Hà Nội và được bổ nhiệm vị trí mới – Tổng giám đốc DOJI. Thực tế, việc bổ nhiệm này là "hơi sớm hơn một chút" - ông Phú nói. Tại thời điểm đó, theo Luật các Tổ chức tín dụng, ông Đỗ Minh Phú không được đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tại DOJI nếu đã làm Chủ tịch TPBank.

Theo ông Phú: "Về mặt cơ bản các công việc ở DOJI đã được định hình tốt với hành trình hơn 20 năm, đủ lớn mạnh nên tôi không quá lo ngại". Vì thế, doanh nhân này chọn tập trung cho công việc tại TPBank và giao vị trí Tổng giám đốc tại DOJI cho con trai. Tại DOJI, ông Phú giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng sáng lập.
Tương tự như nhiều doanh nhân đứng đầu các gia đình kinh doanh nổi tiếng tại Việt Nam, năm nay đã 68 tuổi nhưng ông Phú chưa nghĩ đến kế hoạch nghỉ hưu. "Chừng nào còn đủ sức khỏe và có thể đóng góp được cho doanh nghiệp thì tôi vẫn còn làm", ông Phú cho biết.