Mẹ tôi nghĩ cuộc sống nghèo của gia đình chúng tôi là số mệnh ở trời. Mỗi lần tôi về thăm nhà là mẹ tôi lại vừa vui lại vừa lo sợ. Vui vì có con trai về thăm nhà và sợ khi mỗi lần tôi rời nhà lên trường thì mẹ phải kiếm đâu đó đưa cho tôi một hai trăm nghìn để lên trường học.

Hình ảnh có thể có: 1 người, ngựa và văn bản

Tôi thi đậu Đại học Y khoa Tây Nguyên năm 1990. Từ xã Madrak hẻo lánh, mẹ tôi bán đi nhiều tạ lúa và nhiều thứ trong nhà để tôi vác ba lô về thành phố Buôn Ma Thuột nhập học.

Lẽ ra tôi không nên thi vào Y khoa hay học Y khoa. Tôi thi Y vì tôi học giỏi. Nhưng những ngày học ở trường Y, tôi lúc nào cũng trăn trở và không có một ngày nào là không nghĩ về công việc và cuộc sống của một người thầy thuốc. Càng học lên năm thứ hai, năm thứ ba thì điều đó càng bứt rứt trong lòng tôi. Tôi nhìn các anh chị đi trước và thấy đồng lương công chức họ nhận được chỉ đủ ăn sáng. Muốn có thêm ăn trưa, ăn chiều và mua nhà, mua xe thì khó ai có thể làm theo lời thề Hippocrate. Và phần nhiều trong số những người học Y chúng tôi đều quên lời thề này. Tôi xót xa vì điều đó.

Tôi quyết không làm điều đó. Nhưng cách tốt nhất không vi phạm điều đó là… bỏ nó luôn, làm việc khác. Nhưng làm gì đây?
Làm gì khi tuổi 22 tôi chưa biết được. Nhưng thiêu đốt trong lòng tôi là không thể sống mòn sống mỏi với đồng lương công chức khi ra trường. Thiêu đốt trong lòng tôi là phải làm được điều gì đó để đổi đời. Không thể nghèo mãi được. Mẹ tôi nghĩ cuộc sống nghèo của gia đình chúng tôi là số mệnh ở trời. Mỗi lần tôi về thăm nhà là mẹ tôi lại vừa vui lại vừa lo sợ. Vui vì có con trai về thăm nhà và sợ khi mỗi lần tôi rời nhà lên trường thì mẹ phải kiếm đâu đó đưa cho tôi một hai trăm nghìn để lên trường học. Vì lẽ đó mà tôi rất ý thức về cái nghèo của mình nên từ năm thứ hai, tôi đã quyết định đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống sinh viên. Trong những giờ chơi, giờ sinh hoạt ngoại khóa, hay tự học tôi nhìn những bạn bè mình được thoải mái tập trung vào việc học thì bản thân phải tách mình ra khỏi những việc đó để bươn chải làm thêm, kiếm sống đã khiến tôi mang nhiều mặc cảm, những suy nghĩ day dứt về sự nghèo khó của mình. Chính cái nghèo tận cùng đó làm trong đầu tôi lúc nào cũng điên cuồng vùng vẫy như con thú hoang khao khát tự do. Tôi đọc Lưu Trọng Lư khi còn đi học và bị ám ảnh suốt bởi những câu ông nói về giới hạn của cuộc sống. Năm tôi 16-17 tuổi, ba tôi bị bệnh nặng mà vay mượn hết trong đại gia đình không tìm đâu đủ 2 triệu đồng để chạy thuốc thang, tôi thề không quên những ngày tháng khó khăn đó.

Tôi luôn nghĩ về những người trồng cà phê như bố mẹ tôi. Tôi biết cà phê rất có giá nhưng không biết vì sao những người trồng cà phê lại rất nghèo. Những người trồng cà phê vẫn nhẫn nại mỗi ngày cháy da trên nương rẫy, như mẹ tôi, không lời thở than. Tôi không chịu được vậy. Nghĩ tới sự cam chịu là huyết quản tôi sôi sùng sục.

Tôi còn nhớ căn nhà tôi trọ học có một khoảng sân nhỏ nằm sâu trong một con hẻm dài hun hút, những buổi chiều tối đi lại trong khoảng sân nhỏ đó, nhìn ra con hẻm sâu với phía xa xa là hai dãy núi với một khe núi cũng rất nhỏ như một ánh sáng le lói, mong manh. Trong khung cảnh đó tôi cảm thấy bức bối vì những ý nghĩ của sự mặc cảm, nghèo khó và sự cam chịu. Miếng ăn hay cuộc sống lúc đó đối với gia đình tôi không quan trọng bằng suy nghĩ là sống như thế nào.

Đặng Lê Nguyên Vũ