"Phòng trọ của tôi có ba đứa. Rất thân, đều là những đứa có thể nói chuyện và hiểu nhau, không nghi ngờ về nhau là thằng này, thằng kia không bình thường. Tôi có lẽ là đứa nghèo nhất trong đám đó nên tôi cũng là người sùng sục trước chuyện làm ăn nhất. Tôi nghĩ: tại sao nông dân trồng cà phê vẫn nghèo trong khi trên thế giới, có quốc gia không trồng được cà phê vẫn giàu vì cà phê? Tại sao cà phê mình chỉ có thể xuất thô mà không chế biến để xuất khẩu?…Bốn thằng chúng tôi cùng chia sẻ suy nghĩ này và hùn tiền, mua một lò rang cà phê.

Thuận lợi của chúng tôi lúc đó là trong trường có nhiều sinh viên tứ xứ đổ về học nên biết được nhiều nơi có cà phê ngon để tìm đến học hỏi thêm. Tôi còn nhớ, ở Tuy Hòa có một quán cà phê rất ngon nên ngày nghỉ, chúng tôi đi xe xuống tận quán để hỏi thăm bí quyết của cô chủ quán. Đến nơi vào buổi trưa thì cô chủ quán đã đi nghỉ trưa, chúng tôi đành phải ngồi chờ đến 2, 3 giờ chiều mà trong lòng sốt ruột vì sáng mai đã phải đi học. Khi cô chủ quán thức dậy, chúng tôi trình bày lý do và nguyện vọng của mình. Đêm đó, chúng tôi trở về lại Buôn Ma Thuột trong chuyến xe khuya với tấm lòng của cô chủ quán đã chỉ cho chúng tôi bí quyết chế biến rang xay cà phê ngon.

Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và mọi người đang ngồi

Ngày khai trương lò rang cà phê, chúng tôi cũng tổ chức cúng vái đầy đủ nghi lễ để lấy hên nhưng khi vừa cúng xong thì người bà con của ông chủ nhà về thấy vậy đã hất đổ tung tóe mọi thứ, cắt bỏ hết dây điện không cho chúng tôi làm lò rang cà phê.

Vì vậy mà chúng tôi chuyển lò rang cà phê đi nơi khác. Lò rang quay bằng tay, đốt bằng củi. Hôm nào rang cà phê bên dưới là mấy thằng ngồi học bài trên cái gác gỗ cũng như bị nướng cả người, như ngồi trong lò bát quái. Hàng xóm thấy cách làm ăn của tụi tôi phiêu lưu quá, có ngày phát hỏa thiêu rụi cả xóm như chơi cho nên đi báo công an. Và lò rang của chúng tôi cũng phải dẹp đi nhưng lúc đó trong suy nghĩ của tôi thì vẫn cứ thôi thúc phải tiếp tục làm.

Chúng tôi góp hết tiền để mua cái lò rang nên không còn tiền để mua cà phê về rang. Không còn cách nào để vay mượn thêm bởi chỗ có thể vay thì đã khai thác rồi. Cuối cùng, tôi đánh liều cọc cạch đạp xe đi…mượn cà phê nhân. Những cái lắc đầu nguầy nguậy không khiến chúng tôi nản lòng, kể cả những câu vu vơ ném theo mà người nói vô tình còn người nghe như xát muối: “Mấy thằng sinh viên khùng khùng này…”.

Nhưng cũng có những người giang tay với chúng tôi, chúng tôi mượn mỗi lần vài ba ký, rang, xay, đóng gói và chia nhau đi bỏ mối ở quán cà phê. Sau đó thu tiền lại, trả cho người ta và mượn tiếp vài ký khác. Cứ thế…những đồng tiền chúng tôi kiếm được như con kiến tha lâu đầy tổ. Logo của những bịch cà phê Trung Nguyên lúc này chỉ là một mũi tên chỉ thẳng lên trời. Chỉ hình ảnh đơn giản ấy thôi đã chứa đựng trong đó biết bao khát vọng của chúng tôi.

Thương hiệu cà phê Trung Nguyên của nhóm “mấy thằng sinh viên khùng khùng” chúng tôi bắt đầu được chú ý và ưa chuộng. Tôi là dân trồng cà phê nên biết lựa loại hạt ngon để cho ra những phin cà phê đậm đà và thơm lừng. Năm 1996, chúng tôi quyết định bung ra làm ăn.

Nói cho oai vậy thôi chứ khi chúng tôi bung ra và khai trương “Hãng cà phê Trung Nguyên” ở Km3 (Thành phố Buôn Ma Thuột) với chiều rộng 2,8 m thì dân cư ở đây ai cũng cười ngặt nghẽo: hãng gì mà ọp ẹp phát khiếp! Nhưng lúc đó, tôi đã có tư tưởng là nhất định một ngày nào đấy chúng tôi sẽ trở thành một hãng cà phê nổi tiếng và đàng hoàng hơn. Toàn bộ ảnh hiệu của “hãng” đều do chúng tôi tự vẽ, tự sơn phết với chi chít chữ, chỉ có logo “Hãng cà phê Trung Nguyên” hình mũi tên là nổi bật nhất. Chúng tôi hì hục sơn vẽ, đục đến 3 giờ sáng để treo tấm bảng hiệu cho kịp sáng mai khai trương. Mà khách hàng khai trương của chúng tôi cũng chính là những người bạn sinh viên học cùng trường, cùng lớp đến uống cà phê cho vui với chúng tôi. Có thể hãng của chúng tôi nhỏ và ọp ẹp không giống ai, nhưng với chúng tôi, đó là một sự kiện trọng đại trong đời và trọng đại trong lịch sử phát triển của Trung Nguyên. Nghĩ lại từ cái “hãng” này để giờ đây được tới Nhật bản, Singapore…tôi nghĩ rằng chỉ có tư tưởng vơi ước mơ mạnh mẽ thì chắc chắn mới làm được nhiều thứ. Lúc đó tôi làm được là do khí chất của con người tôi: ĐÃ LÀM CÁI GÌ LÀ LÀM HẾT MÌNH.

Ngồi trong cái hãng nhỏ bé đáng tự hào của mình ở tít tận phố núi cao nguyên, tôi căng mắt nhìn về hướng Sài Gòn và cảm thấy chưa đủ sức. Và tôi chọn đồng bằng Sông Cửu Long với điểm đến là An Giang với ý nghĩ lấy từ cảm hứng chiến tranh “Lấy nông thôn bao vây thành thị”.

Đặng Lê Nguyên Vũ

Người sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên, Việt Nam