2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng tiêu dùng

Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, với vai trò là kênh tín dụng kích thích tiêu dùng, hoạt động vay vốn và vay tín dụng ngày càng phổ biến trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Số liệu mới nhất do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tính đến ngày 19/11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế hiện đạt trên 10 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng khoảng 2 triệu tỷ đồng.

Hiện dịch vụ cho vay vốn hay vay tiêu dùng thường được cung cấp bởi các Ngân hàng thương mại (NHTM) và các công ty tài chính tiêu dùng một cách riêng biệt. Điều này dẫn đến việc một số khách hàng gặp khó khăn trong việc vay tín dụng an toàn khi không thể đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của ngân hàng.

z3047363351129-34ccf027902a925ab2fb5c378c216718-1640249277.jpg
Người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay do không đáp ứng được tiêu chuẩn

NHNN tiếp tục coi đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng. Phó Thống đốc NHNN cho biết, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức tham gia vào tín dụng tiêu dùng. “Trước hết là các NHTM, đặc biệt là vai trò chủ lực của các NHTM có vốn Nhà nước, hệ thống tài chính vi mô, Quỹ Tín dụng Nhân dân có thể vào cuộc đồng bộ một cách tích cực hơn với cơ chế thông thoáng hơn, sử dụng những công nghệ hiện đại, đưa tín dụng những món nhỏ, không lớn nhưng người dân có thể dễ dàng tiếp cận được”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu.

Khách dưới chuẩn an tâm vay vốn an toàn

Tín dụng tiêu dùng được đánh giá là tăng trưởng tốt và vẫn còn nhiều tiềm năng, bởi nhu cầu vay tiêu dùng thuộc nhóm “dưới chuẩn" chưa được đáp ứng hết và đang là vấn đề cấp thiết.

Nắm bắt nhu cầu phát triển của thị trường cho vay tiêu dùng này, Ngân hàng CIMB Việt Nam (CIMB) và Công ty cổ phần kinh doanh F88 hợp tác chiến lược trong việc đặt ra các tiêu chí cho các sản phẩm cho vay tiêu dùng với mức lãi suất ưu đãi và dễ dàng tiếp cận hơn cho các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn kinh doanh, chi tiêu sinh hoạt. Khách hàng mục tiêu được mở rộng tới các đối tượng dễ tổn thương, cần được ưu tiên trong xã hội như: Người lao động thu nhập trung bình thấp, công nhân viên, các hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương hay doanh nghiệp siêu vi mô.

z3047364242934-1af948246bbb8f5928f9dd24b06e2d5e-1640249277.jpg
CIMB hợp tác F88 cùng thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện

Việc bắt tay với F88 sẽ giúp CIMB mở rộng thị trường, tiếp cận những đối tượng khách hàng dưới chuẩn. F88 có lợi thế là số lượng phòng giao dịch lớn với 500 phòng giao dịch hiện có. CIMB kỳ vọng, sự hợp tác với F88 sẽ giúp gia tăng khách hàng tiềm năng và có thể giới thiệu sản phẩm dịch vụ của CIMB tới khách hàng nhanh nhất. Trong khi, F88 có thể tận dụng nguồn vốn của ngân hàng để cho giải ngân những khoản vay lớn và dài hạn hơn.

Ông Thomson Fam Siew Kat - Tổng giám đốc ngân hàng CIMB Việt Nam cho biết: “Mục tiêu chính của Hợp tác chiến lược này là cải thiện dịch vụ tín dụng hướng đến phân khúc chưa được phục vụ và chưa được ưu tiên với chi phí phải chăng. Khách hàng sẽ nhận được các khoản vay lãi suất rất cạnh tranh do chi phí vốn từ ngân hàng thấp hơn trong khi phạm vi tiếp cận của F88 lại rộng hơn Ngân hàng rất nhiều. Cùng với F88, chúng tôi mong muốn tận dụng thế mạnh từ cả 2 phía để tập trung phát triển đáp ứng yêu cầu tín dụng của các phân khúc thấp trong xã hội khi nền kinh tế đang dần phục hồi trở lại sau đại dịch”.

Còn với khách hàng, thay vì phải chấp nhận nguy hiểm của việc vay tín dụng đen, chấp nhận vay tín dụng với lãi suất cao thì nay có thể hưởng lợi từ sự hợp tác giữa CIMB và F88. Vì như CEO Phùng Anh Tuấn của F88 khẳng định, hai bên cùng có chung tầm nhìn chiến lược là cung cấp các giải pháp tài chính phù hợp và dễ dàng tiếp cận cho những khách hàng dưới chuẩn cho vay của ngân hàng. Đây cũng là cơ hội để đóng góp vào quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam trong tương lai./.