Thông tin được cho là tác động lên giá cổ phiếu IDI của CTCP Đầu tư và phát triển đa quốc gia I.D.I là việc ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HDQT IDI đăng ký bán toàn bộ 12,535 triệu cổ phiếu từ ngày 2/12.

Tổng số cổ phiếu bán ra tương ứng 5,51% vốn điều lệ IDI.

Trên thị trường chứng khoán, động thái bán ra của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp – được xem là có tác động không tích cực tới giá cổ phiếu.

Với IDI, đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu đang sở hữu của ông Thuấn diễn ra ra trong bối cảnh giá cổ phiếu leo dốc tăng liên tục trong tháng 11, đưa giá cổ phiếu từ vùng 8.590 đồng/cp, lên 24.250 đồng/cp (phiên cuối tuần trước 26/11), tương ứng mức tăng hơn 182%. 

Giả định ông Thuấn bán thành công ở vùng giá 20.000 đồng/cp, có thể thu về hơn 250 tỷ đồng. 

Trong cơ cấu cổ đông của IDI, hiện có cổ đông lớn nhất là CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM) đang sở hữu hơn 51,23% vốn IDI. Hiện ông Thuấn cũng là cổ đông lớn nắm hơn 19% vốn, đồng thời là Tổng giám đốc của AMS. Còn Chủ tịch HDQT ASM là bà Lê Thị Nguyệt Thu, con gái của ông Thuấn. 

Về diễn biến cổ phiếu ở phiên thứ 3 tuần này (30/11), IDI chất sàn từ sớm và duy trì tình trạng trắng bên mua gần như cả phiên – trái ngược với diễn biến thường xuyên tăng trần, trắng bên bán trong suốt nhiều phiên trước đó.

anh-chup-man-hinh-2021-11-30-luc-230936-1638288618.png
IDI có diễn biến tăng giá mạnh từ đầu tháng 11 và gần như không có phiên điều chỉnh nào

Nhiều môi giới chuyên sử dụng phân tích kỹ thuật cho rằng, đã có tín hiệu từ các phiên giao dịch tuần trước. Chẳng hạn phiên 24-25/11, đẩy trần liên tiếp 2 cây nhưng thanh khoản rất thấp, nhà đầu tư muốn mua không mua được. Hai phiên 26/11 và 29/11 biến động giá lớn, rung lắc mạnh với thanh khoản đột biến, đặc biệt ngày 29 không phải giá đóng cửa cao nhất phiên – cho thấy dấu hiệu ra hàng của các nhà đầu tư lớn, dĩ nhiên có cả các nhà đầu tư cá nhân mua vùng giá thấp đầu tháng 11 cũng có tâm lý muốn chốt lãi. Tổng khối lượng khớp lệnh của 2 phiên này lên đến 26 triệu đơn vị, lớn hơn khá nhiều so với KLGD trung bình/phiên trong tháng 11 khoảng 8 triệu đơn vị.

Trong khi ngay phiên 30/11, lượng kê sàn dứt khoát ngay từ đầu phiên, nhiều khả năng phiên hôm nay (1/12) và vài phiên tới, vẫn có lệnh kê sàn lớn.

Với các nhà đầu tư mua sớm từ đầu tháng 11 tới nay, thậm chí mua từ khoảng giữa tháng 11, vẫn đang có vị thế khá tốt, chỉ giảm lãi, nhưng với các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua 2 phiên trước thì hàng chưa về tài khoản. Dự báo khi hàng về mà giá cổ phiếu vẫn sàn sẽ tác động mạnh tới tâm lý của nhà đầu tư.

Xét về kết qủa kinh doanh, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong quý 3/2021, các doanh nghiệp ngành thuỷ sản đều khó khăn, IDI không ngoại lệ. Doanh thu quý 3 giảm 27%, ghi nhận 1.111 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ 9 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ. Kết quả kém khả quan này chủ yếu đến từ hoạt động của Công ty mẹ (lãi sau thuế giảm 48%) và Công ty con là CTCP Đầu tư du lịch và Phát triển Thủy sản (Trisedso, HOSE: DAT) (lãi sau thuế giảm hơn 84%).

Tuy nhiên, cho quý cuối năm, nhiều chuyên gia phân tích ngành cho rằng, ngành thuỷ sản sẽ tốt hơn khi đây là mùa vụ tốt nhất trong năm, các thị trường lớn như Mỹ, Eu…đều tăng nhập khẩu, nhất là dịp Giáng Sinh, năm mới. Mặt khác, giá bán cá tra được cho là tăng giá khá tốt so với các quý trước – kỳ vọng hỗ trợ lợi nhuận cho các DN trong ngành.

Với IDI, đơn vị này có 2 nhà máy chế biến đông lạnh xuất khẩu và đang xây dựng thêm 1 nhà máy mới; 1 nhà máy chế biến phụ phẩm sẽ mở rộng nâng công suất lên gần 600 tấn nguyên liệu/ngày; 1 nhà máy tinh luyện dầu ăn với công suất 220 tấn nguyên liệu/ngày; 1 nhà máy chế biến thức ăn thủy sản với công suất 378.000 tấn/năm.

Với chuỗi sản xuất tương đối khép kín sẽ giúp IDI tiết kiệm chi phí, kiểm soát giá thành và chất lượng sản phẩm. Điểm tích cực ở IDI được ghi nhận là đã bắt đầu chế biến phi lê trướt xuất khẩu – có giá bán tốt hơn, thay vì xuất khẩu thô cá dạng cắt khúc và nguyên con (bỏ đầu) như trước.

Ngoài ra, trong đợt dịch, do nhiều đơn vị trong ngành cá tra không xuất khẩu được, với lợi thế có nhiều kho lạnh, IDI đã thu mua lại của các đơn vị này với lượng cá khoảng 1.400 tỷ đồng, tương ứng giá cá khoảng 17.000 đồng/kg, thì đến nay, giá cá đã tăng hơn 30%, riêng khoản tồn kho này đã đem lại cho IDI khoảng 400 tỷ đồng.