Có một thực tế rằng tất cả các chủ đầu tư trên thị trường bất động sản luôn khẳng định mình là đơn vị uy tín, có tâm, có tầm. Tuy nhiên, uy tín chủ đầu tư là một khái niệm mang tính định tính, vì thế không ít người mua gặp khó khăn khi xác định đâu là chủ đầu tư uy tín thực sự. Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều vụ kiện tụng tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư diễn ra, lừa đảo liên quan đến bất động sản cũng ngày càng tăng. Vậy làm thế nào để biết đâu là những vị chủ đầu tư uy tín, có tâm, có tầm trên thị trường bất động sản?
(Bài viết này dành cho khách hàng, sale và những người liên quan, không dành cho chủ đầu tư)
Đi mua căn hộ, đi mua đất nền, các anh chị em chúng mình toàn gặp phải kiểu ngọn sớt với những câu mỹ miều rằng:
1. “Ối anh chị ơi, anh chị chẳng phải suy nghĩ gì nhiều đâu, anh chị quyết ngay đi, CHỦ ĐẦU TƯ BÊN EM UY TÍN lắm”;
2. “Dạ thưa anh chị, Giám đốc bên em là người có năng lực, Công ty bên em có tên tuổi trên thị trường, bên em cũng tài trợ rất nhiều chương trình trên truyền hình và làm từ thiện. Đến với chúng em là anh chị gặp may mắn rồi, vì CHỦ ĐẦU TƯ BÊN EM RẤT CÓ TÂM”;
3. “Ờ giá tầm này, anh chị chẳng cần phải đắn đo suy nghĩ gì nữa cả, chúng ta phải nhanh chóng chớp lấy cơ hội này ngay thôi, chỉ ít phút (ít giờ) nữa, em đảm bảo với anh chị rằng sẽ không còn được nhiều ưu đãi như thế nữa. Anh chị biết hông, CHỦ ĐẦU TƯ BÊN EM RẤT CÓ TẦM đấy anh chị ạ”
4. “Kính thưa anh chị, kính thưa toàn thể quý vị có mặt tại Hội nghị Thắp sáng ước mơ sở hữu căn hộ thông minh đỉnh cao tuyệt mỹ nhất hành tinh ngày hôm nay, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới Quý vị Ngài Nguyễn Văn Nói Phét, Chủ tịch Tập Đoàn Dream House Alibaba lên phát biểu và trao tặng quý vị cơ hội sở hữu những căn nhà mơ ước”.
5. ………và N các ví dụ khác, anh chị em nào có các ví dụ điển hình thì comment thêm vào cùng chia sẻ với moi người nhé. Vì dung lượng bài viết có hạn nên tôi không đưa ra hết các ví dụ được, kính mong anh chị em thông cảm.
Hôm nay tôi sẽ dùng kiến thức ít ỏi, kinh nghiệm bình thường nhưng rộng lòng chia sẻ của bản thân mình tới cộng đồng anh chị em chúng mình về Chủ đề: “CHÂN DUNG NHỮNG VỊ CHỦ ĐẦU TƯ UY TÍN, CÓ TÂM, CÓ TẦM”, ở cả góc độ pháp lý và góc độ thực tế. để anh chị em hiểu hết khi chọn lựa người bạn đối tác, đồng hành cũng mình trong chặng đường dài hơi của cuộc sống tại những Dự án phù hợp với nhu cầu của anh chị em. Một lưu ý rằng, bài viết này không ám chỉ đến bất cứ một chủ đầu tư nào đó, cũng không nhằm mục đích bôi xấu, bôi nhọ những chủ đầu tư làm ăn chân chính. Nhưng, chắc chắn bài viết này sẽ giúp anh chị em tẩy chay và xa lánh những chủ đầu tư “KHÔNG CHƠI ĐẸP”. Vì vậy, tôi mong anh chị em đồng cảm cùng tôi và tránh né những comment không tích cực gây ảnh hưởng tới những chủ đầu tư làm ăn chân chính nhé. Rồi, giờ thì chúng ta cùng tìm hiểu Chủ đề: “CHÂN DUNG NHỮNG VỊ CHỦ ĐẦU TƯ UY TÍN, CÓ TÂM, CÓ TẦM” nhé.

1. CHỦ ĐẦU TƯ, HỌ LÀ AI, HỌ LÀM GÌ, CÓ CÓ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ GÌ DƯỚI GÓC ĐỘ PHÁP LÝ.

1.1. Định nghĩa về Chủ đầu tư
- Wikipedia định nghĩa: Chủ đầu tư xây dựng công trình là người sở hữu vốn hoặc là người được giao quản lý và sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình. Chủ đầu tư là người phải chịu trách nhiệm toàn diện trước người quyết định đầu tư và pháp luật về các mặt chất lượng, tiến độ, chi phí vốn đầu tư và các quy định khác của pháp luật. Chủ đầu tư được quyền dừng thi công xây dựng công trình và yêu cầu khắc phục hậu quả khi nhà thầu thi công xây dựng công trình vi phạm các quy định về chất lượng công trình, an toàn và vệ sinh môi trường.
- Khoản 9, Điều 3, Luật Xây dựng 2014 quy định và Điều 4, Nghị định 59/2019/NĐ – CP quy định:

“Điều 4. Chủ đầu tư xây dựng
Chủ đầu tư xây dựng theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 của Luật Xây dựng năm 2014 do người quyết định đầu tư quyết định và được quy định cụ thể như sau:
1. Đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức, đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao. Chủ đầu tư thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư xây dựng, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình.
2. Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đầu tư, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực được thành lập theo quy định tại Điều 63 của Luật Xây dựng năm 2014 hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình. Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách của cấp xã, chủ đầu tư là Ủy ban nhân dân cấp xã. Riêng đối với dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, chủ đầu tư do người quyết định đầu tư quyết định phù hợp với điều kiện cụ thể của mình.
3. Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư thì chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực do các doanh nghiệp này quyết định thành lập hoặc là cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình.
4. Đối với dự án sử dụng vốn khác, chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn hoặc vay vốn để đầu tư xây dựng. Trường hợp dự án sử dụng vốn hỗn hợp, các bên góp vốn thỏa thuận về chủ đầu tư.
5. Đối với dự án PPP, chủ đầu tư là doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư thành lập theo quy định của pháp luật.”

Theo như trên thì còn tùy thuộc vào từng loại hình dự án được quy định cụ thể và rõ ràng.
- Trong đó chủ đầu tư dự án bất động sản chính là cơ quan, tổ chức hay đơn vị được thủ tướng chính phủ giao. Đặc biệt đối với những dự án bất động sản do chính phủ quyết định đầu tư thì chủ đầu tư dự án còn có quyền quyết định đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng công trình và phê duyệt thiết kế công trình.
- Thường với những dự án bất động sản có sử dụng ngân sách nhà nước hay vốn nhà nước ngoài ngân sách do nhà nước cung cấp thì chủ đầu tư dự án còn là đơn vị được giao quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình bất động sản.
- Còn với những dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do tập đoàn kinh tế hay tổng công ty nhà nước quyết định thì chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực do các doanh nghiệp này quyết định thành lập hoặc là cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình.
- Riêng những dự án bất động sản sử dụng nguồn vốn đầu tư khác thì chủ đầu tư chính là cơ quan, tổ chức, cá nhân hay doanh nghiệp có sở hữu vốn hoặc vay vốn để đầu tư xây dựng dự án bất động sản. Vì vậy trong trường hợp dự án bất động sản có sử dụng vốn hỗn hợp thì chủ đầu tư sẽ do nhiều bên góp vốn thỏa thuận để chọn ra. => Bài viết này nói đến những đối tượng này thôi nhá, không nói đến những đối tượng chủ đầu tư khác ngoài đối tượng này nha các anh em.
1.2. Vai trò, tính chất, trách nhiệm của chủ đầu tư
Theo quy định, chủ đầu tư có vai trò và tính chất sau đây:
- Chủ đầu tư do người quyết định đầu tư quyết định trước khi lập dự án hoặc khi phê duyệt dự án
- Chủ đầu tư có vai trò vô cùng quan trọng đối với dự án bất động sản
- Chủ đầu tư phải có đủ năng lực quản lý được dự án bất động sản, có thể tổ chức và tư vấn quản lý công trình bất động sản thay cho những người quyết định đầu tư, vì vậy nếu chủ đầu tư không đủ năng lực có thể sẽ bị thay thế.
- Trong trường hợp người quyết định đầu tư trực tiếp quản lý dự án thì sẽ thành lập Ban Quản lý dự án. Ban Quản lý dự án chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
- Chủ đầu tư có vai trò thiết yếu trong việc thực hiện giám sát công trình thường xuyên, bao gồm thiết kế cùng với tiêu chuẩn thi công.
Trong đó những trách nhiệm mà chủ đầu tư dự án phải chịu bao gồm :
- Chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về chất lượng cùng tiến độ công trình, mọi chi phí về vốn đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
- Có quyết quyết định hoặc thuê tất cả các bên thực hiện trong quá trình phát triển dự án.
- Thường xuyên theo dõi tiến độ thi công, có quyền yêu cầu dừng thi công và khắc phục hậu quả khi có vi phạm về chất lượng công trình, an toàn lao động hoặc vệ sinh môi trường.
1.3. Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư đối với dự án bất động sản
1.3.1. Chủ đầu tư có các quyền sau trong lập và quản lý dự án, quản lý chi phí:
o Lập, quản lý dự án khi có đủ điều kiện năng lực;
o Yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về lập, quản lý dự án;
o Lựa chọn, ký kết hợp đồng với nhà thầu tư vấn để lập, quản lý dự án;
o Tổ chức lập, quản lý dự án; quyết định thành lập, giải thể Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án theo thẩm quyền;
o Các quyền khác theo quy định của pháp luật và tại Điều 29, Nghị định 68/2019 NĐ – CP.
1.3.2. Chủ đầu tư có các nghĩa vụ sau trong lập và quản lý dự án, quản lý chi phí:
o Xác định yêu cầu, nội dung nhiệm vụ lập dự án; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết trong trường hợp thuê tư vấn lập dự án; tổ chức nghiệm thu kết quả lập dự án và lưu trữ hồ sơ dự án đầu tư xây dựng;
o Lựa chọn tổ chức tư vấn lập dự án có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Luật này;
o Chịu trách nhiệm về cơ sở pháp lý, tính chính xác của các thông tin, tài liệu được cung cấp cho tư vấn khi lập dự án; trình dự án với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;
o Lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để thẩm tra dự án theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức thẩm định dự án và của người quyết định đầu tư;
o Tổ chức quản lý thực hiện dự án;
o Kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án; định kỳ báo cáo việc thực hiện dự án với người quyết định đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
o Thu hồi vốn, trả nợ vốn vay đối với dự án có yêu cầu về thu hồi vốn, trả nợ vốn vay;
o Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và tại Điều 29, Nghị định 68/2019 NĐ - CP
Từ những quy định trên, chân dung chủ đầu tư dưới góc độ pháp lý được điểm qua lại dưới một số ý chính sau đây:
  1. - Là người/doanh nghiệp có vai trò quan trọng vô cùng trong một dự án bất động sản;
  2. - Là người/doanh nghiệp có năng lực quản lý, điều hành;
  3. - Là người/doanh nghiệp mạnh mẽ và tiềm lực về vốn;
  4. - Là người/doanh nghiệp có quan hệ cực rộng để huy động vốn đầu tư, bên cạnh nguồn vốn tự có của mình;
  5. - Là người/doanh nghiệp có quyền gần như tuyệt đối trong việc sự tồn tại, chấm dứt, phát triển, tiếp tục, thay đổi…của dự án đầu tư;
  6. - Là người/doanh nghiệp có quyền và nghĩa vụ nhiều nhất;
  7. - Là người/doanh nghiệp anh em mình cần để ý đến nhất khi giao dịch bất động sản với dự án bất động sản;
  8. - Là người sẽ cầm tiền, dùng tiền, sử dụng tiền và trả lại tiền (nếu có) cho anh em mình;
Hiểu vậy thôi cho nó nhanh lẹ nha, chứ pháp lý mà cần rõ hơn thì gặp tôi tôi sẽ nói, nó nhức đầu và buốt óc thấy mồ luôn 

2. THẾ NÀO LÀ MỘT CHỦ ĐẦU TƯ UY TÍN, CÓ TÂM, CÓ TẦM TRÊN THỰC TẾ? NHẬN RA BẰNG CÁCH NÀO?

Oke nhé, phần này tôi sẽ giúp các anh em định nghĩa và dắt vào túi ngực của mình về Chân dung những chủ đầu tư có uy tín, có tâm, có tầm để anh chị em nắm bắt được, khi tiếp xúc với họ, chỉ mang cái này ra mà đối chiếu. Đủ thì làm với họ, vì họ uy tín, có tâm, có tầm đấy! Còn nếu không đủ, chưa đủ hoặc thiếu gì gì đó, hoặc nhiều vấn đề nghi hoặc, nhiều băn khoăn, chưa thỏa mãn cái sướng trong lòng.... thì anh chị em cân nhắc rồi quyết định. Cái này nó hay ho vì nó phù hợp cho cả anh chị em làm sale lẫn anh chị em làm đối tác, khách hàng, bạn hàng, người đồng hành…..của Chủ đầu tư nhá.
Giờ thì tôi và anh chị em đi tìm hiểu những tiêu chí để xác định Chủ đầu tư uy tín, có tâm, có tầm như tôi đã nói ở trên thực tế nhé:
2.1. Đừng chỉ nghe, hãy tìm kiếm và khẳng định về tiểu sử UY TÍN thực sự của CHỦ ĐẦU TƯ
Với nhiều chiêu bài khác nhau, những CHỦ ĐẦU TƯ không đẹp thường ra sức dùng các chiêu trò, mánh khỏe để làm mờ đi con mắt của khách hàng, đối tác. Họ thường chỉ nói là nhiều chứ không có minh chứng cụ thể về độ UY TÍN của họ khi thực hiện các dự án mà khách hàng đang quyết định chọn lựa mua hay không mua? Thực tế, định nghĩa về độ UY TÍN của chủ đầu tư cũng không hề khó khăn, tất nhiên dù định nghĩa nào về UY TÍN cũng sẽ không đúng với tất cả các trường hợp và chắc chắn không là TUYỆT ĐỐI với tất cả được. Tuy nhiên, có thể nhận ra tiểu sử UY TÍN của chủ đầu tư hay không trên cơ sở những tiêu chí sau đây:
- Đã tạo ra nhiều sản phẩm trên thị trường hay chưa, nhiều dự án thực hiện thành công hay chưa, các dự án đang thực hiện thực trạng thế nào rồi, người tiêu dùng và khách hàng mua thực tế đang đánh giá dự án như thế nào, đánh giá và sử dụng các sản phẩm mà chủ đầu tư cung cấp ra sao. UY TÍN phải được khách hàng khẳng định, chứ không bởi bằng những người thân cận với CHỦ ĐẦU TƯ, càng không bởi truyền thông (vì sao thì anh em mình đều biết cả rồi).
- Tra cứu ngay thông tin của chủ đầu tư, tiểu sử của các thành viên nằm trong nhóm chủ đầu tư xem có minh bạch không, có đúng không, có gì mâu thuẫn hay không, các thông tin có được public hay không, những thông tin đó có thực chất hay không. Website của chủ đầu tư có những gì mâu thuẫn hay không, báo cáo tài chính thế nào, thông tin về hồ sơ doanh nghiệp của chủ đầu tư, ngành nghề kinh doanh, các lần thay đổi đã xảy ra trên thực tế, mua bán cổ phần, cổ phiếu, cá nhân tổ chức sở hữu nguồn vốn, mối quan hệ của chủ đầu tư……..
- Khảo sát người dân sinh sống quanh các dự án mà chủ đầu tư thực hiện xem có vấn đề gì khúc mắc về bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng hay không, xem thêm xem có thu hồi đất như thế nào, các vấn đề pháp lý về đất đai, có bị người dân kiện cáo hay không, kiện cáo ở mức độ nào, nhiều hay ít, ….Người dân đang sinh sống trong những dự án mà chủ đầu tư đã cung cấp có hài lòng hay không, họ có phàn nàn điều gì hay không…
- Nhân thân của những người nằm trong bộ máy quản trị của chủ đầu tư như thế nào, có nợ nần gì không, quá khứ ra sao, vị trí và vai trò của những người đó thế nào trong dự án.
Nhìn phía trên có thể thấy có quá nhiều thứ cần khai thác về tiểu sử của chủ đầu tư, tuy nhiên, nếu biết cách khai thác và biết chỗ để tìm thì nó là dễ dàng. Sau các kết quả tìm kiếm và điều tra, anh em đã có đủ cái nhìn bao quát về chủ đầu tư rồi. Anh em nào mà nói là nhiều quá tìm sao được, ở đâu tìm thấy, chẳng thể biết hết được đâu thì tôi cũng xin thua, bởi chẳng có cái gì có sẵn bê ra đấy trưng bày ra đấy để cho anh em mình chén luôn được đâu. Muốn tinh khôn, phải chịu vất vả, muốn hạn chế rủi ro, phải chịu khó nhọc. Thế thôi!
2.2. Kiểm chứng xem chủ đầu tư bán sản phẩm độc lập hay có hợp tác với các đơn vị, sàn giao dịch bất động sản UY TÍN hay không?
Thường thì những sàn uy tín, có tên tuổi trên thị trường thì họ làm việc với chủ đầu tư uy tín, có tâm, có tầm thôi. Tất nhiên điều này cũng không phải tuyệt đối. Nhưng tôi tin chắc là, ngưu sẽ tầm ngưu, mã sẽ tầm mã. Anh chị em cứ nhìn kiểm chứng là có ví dụ ngay thôi. Các sàn hợp tác với chủ đầu tư uy tín họ làm việc rất chuyên nghiệp về thời gian, giờ giấc, thái độ phục vụ….Đặc biệt nhất họ minh bạch về mọi thứ, chẳng giấu diếm gì và cũng chẳng phải nói quá mọi thứ lên làm gì cả. Hỏi đến đâu thì nhân viên sale hay trưởng phòng sale của các sàn hợp tác với chủ đầu tư UY TÍN họ nói thông vanh vách. Vì họ đã được chủ đầu tư quán triệt tinh thần làm việc và thông tin chính xác rồi. Những sàn bất động sản uy tín bao giờ họ cung phải có thông tin về hồ sơ pháp lý dự án và hồ sơ pháp lý của chủ đầu tư dự án đó, họ có thể cung cấp cho khách hàng (tất nhiên trừ những tài liệu thật sự được coi mà TUYỆT MẬT). Chủ đầu tư cũng chẳng ngại ngùng gì mà không cung cấp các thứ này cho khách hàng và sàn, đơn vị phân phối uy tín cả. Anh em lưu ý, sàn nào UY TÍN an hem đều điểm tên được ngay. Tôi chẳng cần phải lấy ví dụ làm vì, bởi nếu họ không UY TÍN thì họ sẽ tèo ngỏm ngay thôi. Làm ăn với chủ đầu tư và với khách hàng đâu phải chuyện bỡn cợt, trò đùa.
2.3. Trong khi Tai của anh em đã nghe những điều hay, điều tốt NHƯNG Mắt anh em mà chưa thấy, Tay anh em mà chưa sờ, Miệng anh em mà chưa thử, Mũi của anh em mà chưa ngửi. THÌ anh em tốt nhất TỈNH TÁO VÀ TỈNH ĐÒN để đừng bị MÙ QUÁNG mà chôn đồng tiền mồ hôi, sương máu của mình vào đấy. Nghe chửa?
Anh em phải làm:
  • + Anh em xem chỗ nào thể hiện cái TÂM của chủ đầu tư như đã nói, phải có bằng chứng, cái nào thể hiện cái TẦM, phải có chứng minh, cái nào thể hiện UY TÍN nào, bằng chứng đâu. Các anh em cứ phải chơi bài BẰNG CHỨNG ĐÂU cho nó máu. Chứ dùng mấy cái khẳng định hoặc mấy cái mồm đi lòe người khác thì riêng tôi tôi đếch them tin anh em ạ!
  • + Đến tận dự án mà chủ đầu tư quảng cáo, hay sale quảng cáo và xem thực tế rồi quyết định, phải nhìn chăm chằm vào mà cảm nhận.
  • + Đến văn phòng của chủ đầu tư xem hoạt động thế nào, có thực tế có văn phòng hay không. Hay là chỉ chém.
  • + Quan sát các khách hàng khác cùng tham gia dự án
  • + Quan sát các biểu hiện của chủ đầu tư
  • + Tìm hiểu về dự án, tình trạng thi công hiện tại của dự án, tiến độ của dự án, tiềm lực về các nhà thầu, lớn nhỏ của dự án….
  • + Đi thăm quan dự án đi, không thể lười và viện cớ ít thời gian, vì có thể anh em sẽ phải trả một cái giá rất đắt cho những sai lầm của mình.
  • + Dùng các giác quan mà đánh giá, đừng bị nhầm vì những thông tin choáng ngợp che đậy sau đó.
  • + Các Anh em nhớ “ngửi xem”, “nếm thử xem” xem Hợp đồng, giấy tờ, văn bản của Chủ đầu tư có mùi gì hay không. Nếu thơm, chuẩn thì an hem quyết định đi, còn nếu mà thối hoặc linh tinh, cảm thấy có vấn đề (dựa trên những bài viết phân tích của tôi trước đó) thì anh em cứ tránh xa cho tôi nhờ. Mang cái hợp đồng với mấy tờ giấy đó mà đi kiện, đi đòi tiền thì anh em cứ xác định NHỌC THÂN và MỆT NGƯỜI nhé.
  • + Nếu anh em không làm được những điều trên, tốt nhất anh em nên hỏi, hoặc nên nhờ người nào có khả năng, am hiểu tìm hiểu cho anh em và cho anh em có lời khuyên tốt. Đừng có vội đầu tư để mà đổ xuống sông xuống bể là chết ặc tiết đấy anh em. Còn anh em nào bảo ối giời ôi sao phải phức tạp thế làm gì thì tôi cũng xin phép tiễn các anh em. Tùy các anh em quyết định nhé.
  • + Đừng bao giờ không đọc ký các văn bản, thỏa thuận, hợp đồng. Cái đó là cái bảo vệ hay cái đập chết an hem đấy. Nhớ đừng bỏ qua để rồi mang vạ vào thân lại trách lại số. Tôi nói thẳng là không phải số đâu, do có một vài anh em ngu quá nên mới cống nạp lơ ngơ thôi anh em ạ. Tôi có làm anh em giận gì những câu nói này thi anh em cũng thông cảm, còn ai không thông cảm được thì tôi cũng kệ 
Bài này tôi mới nói được qua qua, chưa được chi tiết lắm. Nhưng sẽ có bài tôi làm cho anh em cái check list, anh em soi các giấy tờ, thông tin mà điều tra, khảo sát cho tôi trước khi bỏ tiền vào dự án đó. Nhớ kỹ, tiền là mồ hôi sương máu, đừng ham, đừng tham, để rồi mù quang rồi lại ngồi đấy trách tại số nhá. Bình tĩnh, quan sát, suy nghĩ, trải nghiệm, kiểm chứng là những thứ anh em luôn phải làm.
OK rồi, hôm nay thế thôi anh em à!
Trân trọng,
tác giả: Nguyen Anh