Có cậu bé giúp việc cho một tiệm rau quả ở Hà Nội. Một hôm, có một người đàn ông bước vào và hỏi mua nửa cây xà lách. Tất nhiên cậu bé cho biết xà lách phải bán nguyên cây. Vị khách rất bực bội, đòi gặp ông chủ tiệm.
Cũng bực bội không kém, cậu bé vào trong báo cáo:
- Chú ơi, có một lão dở người đang đòi mua nửa cây xà lách.

Nói chưa dứt lời thì thấy ông khách đứng lù lù ngay sau lưng. Rất nhanh trí, cậu bé quay người sang ông khách, chữa cháy:
- Và chú tốt bụng này muốn mua một nửa cây còn lại.
Chủ tiệm đồng ý. Người khách nhận nửa cây xà lách ra về.
Rất lấy làm hài lòng về khả năng ứng biến của cậu bé, chủ tiệm bảo:
- Chú rất hài lòng với cách con giải nguy lúc nãy. Cửa hàng này cần những người có khả năng ứng biến nhanh như vậy. Con quê ở đâu vậy, con trai?
- Dạ con quê Nghệ An.
- Nghệ An đất học sao con không ở quê mà lại bỏ đi làm tận đây vậy, chủ tiệm hỏi tiếp.
- Dạ, vì quê con giờ chẳng còn gì ngoài nghề cầu thủ và gái mát-xa, cậu bé thật thà đáp.
- Hừm... Thật sao? Chủ tiệm hắng giọng, vợ chú cũng là người Nghệ An đấy.
- Không phải vậy chứ? Cậu bé thốt lên, cô nhà mình chơi cho đội bóng nào thế ạ?
Truyện vui trên minh hoạ một kỹ năng cực kỳ cần thiết cho nghề ‘sales’, đó là ứng biến uyển chuyển, linh hoạt.
Bạn là người bán hàng, bạn cần có kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh một cách khéo léo, hiệu quả. Không có kỹ năng này, một sự cố nhỏ có thể làm mất khách hàng lớn, thậm chí gây ra khủng hoảng khi bị người tiêu dùng tẩy chay.
Có người sinh ra đã có khả năng ứng biến tốt hơn người khác (năng khiếu bẩm sinh), nhưng về cơ bản, kỹ năng này có thể luyện tập được.
Kinh nghiệm cá nhân cho tôi thấy, muốn có thể ứng xử linh hoạt, uyển chuyển, đối phó tốt với mọi tình huống một cách duyên dáng thì trước hết phải phải tự tin phải hiểu rõ và làm chủ hoàn cảnh.
Nếu ai đã từng lên sân khấu để hát hay diễn thuyết trước đám đông sẽ cảm nhận rõ điều này. Không làm chủ được sân khấu thì việc trả lời ngô nghê, hớ hênh trước các câu hỏi từ cử tọa, khán giả là rất dễ xảy ra.
Trong câu chuyện trên, cậu bé chắc chắn là người nắm rất rõ sân khấu của mình - là tiệm rau quả. Kinh nghiệm hàng ngày cho cậu ta biết rõ về các loại khách hàng và những vấn đề họ thường mang đến, cậu nắm rõ và làm chủ hoàn cảnh. Đương nhiên, năng khiếu bẩm sinh của cậu bé đóng vai trò quan trọng.
Vậy để có thể “làm chủ sân khấu” trong bán hàng thì cần phải tập luyện như thế nào? Có khá nhiều việc cần phải làm bởi, như đã bàn ở trên, việc này động tới ít nhất 3 việc khác, gồm: sự tự tin, hiểu rõ hoàn cảnh, làm chủ hoàn cảnh.
Tự tin chỉ có được khi ta nắm vững vấn đề. Bán hàng mà không nắm vững sản phẩm thì không thể tự tin. Còn muốn làm chủ hoàn cảnh, dẫn dắt cuộc chơi thì bạn cần phải hiểu khách hàng, hiểu được tâm tư, nguyện vọng và cả thói quen của họ.
Để làm được như vậy, ngay từ hôm nay, hãy học cách quan sát, suy nghĩ và đúc kết sự việc. Sau mỗi giao dịch, hãy “tua lại” lại toàn bộ câu chuyện đã xảy ra và rút xem mình đã có thể làm gì để tốt hơn.
Và đừng quên mỉm cười trong mọi tình huống.