Bước tính tiếp theo của Biden và Trump: Đấu khẩu, đấu pháp và đấu trí (Phần 1)
Bước tính tiếp theo của Biden và Trump: Đấu khẩu, đấu pháp và đấu trí (Phần 2)
21. Trước khi trả lời câu hỏi tại sao đến hết ngày 8/12/2020, Biden có khả năng cao đạt 270 phiếu ĐCT, nhưng vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn rằng liệu Biden có thể trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ, chúng ta tạm chuyển sự chú ý sang "mặt trận" khác.
Như đã rõ, trong chặng từ nay đến hết 8/12/2020, phe Trump tung hết lực lượng "tinh nhuệ" nhất về pháp lý và cố gắng giành tối đa càng nhiều phiếu ĐCT "sạch" càng tốt, và lý tưởng nhất là vượt qua con số 270 phiếu ĐCT cần thiết để trở thành Tổng thống.

Mọi người cũng có thể đặt câu hỏi ngược lại, tại sao phe Biden không đi kiện, mà chỉ có một bên là phe Trump đi kiện? Khi đang ở cửa trên nên nhóm Biden chắc chắn sẽ không đi "kiện ngược" Trump vì hai lý do:
- Một là, họ cho rằng hệ thống bầu cử giúp mình thắng cử là một hệ thống "hoàn hảo", mặc dù có gặp phải một vài "trục trặc" nhỏ, nhưng không ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc;
- Hai là, nếu tham gia vào "kiện cáo", nhóm Biden có thể bị "rơi vào bẫy" của nhóm Trump vì số lượng các sai sót (có thể có) sẽ lộ dần và đem lại kết quả bất lợi cho Biden.
22. Cùng lúc với chiến lược pháp lý khổng lồ, phe Trump cũng tung ra một chiến lược truyền thông cực lớn, trước hết nhắm vào các cử tri CH, tiếp đó là những cử tri độc lập, và có thể cả toàn người dân Mỹ nữa, với các luận điểm:
(i) Số lượng cử tri Cộng Hòa và cử tri Mỹ đi bầu cho Trump lớn chưa từng thấy. Trump là Tổng thống đang tại vị giành được nhiều phiếu phổ thông đầu phiếu nhất trong lịch sử nước Mỹ;
(ii) Hàng triệu phiếu bầu của cử tri cho Trump không được tính vì bị bắt lỗi và "tự động" chuyển sang cho Biden;
(iii) Người thắng trong cuộc bầu cử 3/11 là Trump chứ không phải Biden, nhưng chiến thắng của họ bị "đánh cắp";
(iv) Cuộc bầu cử vẫn chưa kết thúc vì theo luật, Trump vẫn còn con đường pháp lý và các con đường hợp pháp khác ở phía trước;
(v) Biden đòi hỏi chuyển giao quyền lực lúc này là quá sớm và không phù hợp với các quy định và luật pháp của Mỹ;
(vi) Các chính sách sắp tới của Biden, nếu đắc cử, là thảm họa, là nỗi kinh hoàng của nước Mỹ.
23. Trong khi đó, phe Biden, với sự ủng hộ mạnh mẽ của đội ngũ truyền thông và mạng xã hội cũng mở đợt tấn công tổng lực về truyền thông rất quyết liệt:
(i) Chiến thắng của Biden là hết sức thuyết phục. Biden nhận được số lượng phiếu phổ thông lớn nhất (đến nay khoảng 77 triệu) dành cho một ứng cử viên Tổng thống trong lịch sử gần 250 năm của nước Mỹ và do đó nhận được sự "ủy quyền" của người dân để lãnh đạo nước Mỹ;
(ii) Cuộc bầu cử 3/11 hoàn toàn công bằng, minh bạch và trong sạch. Do đó, các cáo buộc của Trump là hết sức vô lý và không có căn cứ;
(iii) Cuộc bầu cử coi như đã kết thúc. Cộng hòa và Trump phải nhanh chóng chấp nhận "ý nguyện" của người dân, không kéo dài thời gian kiện cáo vô ích;
(iv) Nội các mới của Biden đang hình thành là một nội các có đủ các thành phần Dân chủ và Cộng hòa hướng tới người dân. Trong khi đó Trump đang hành động như một kẻ "độc tài", ngăn cản việc "chuyển giao quyền lực";
(v) Biden đã có một chính quyền hợp pháp với gần 50 quốc gia gọi điện "chúc mừng".
24. Cả hai bên tung ra chiến lược đó để làm gì? Có mục tiêu cả đấy vì nó có liên quan việc chọn Tổng thống mới của Mỹ ở chặng thứ hai:
CHẶNG 2 TỪ 8-14/12/2020:
Vào ngày 14/12/2020, Hội nghị bầu chọn các Đại cử tri sẽ gặp mặt tại từng tiểu bang và danh sách ĐCT sẽ được các thiết chế có thẩm quyền ở từng tiểu bang xây dựng và gửi lên Quốc hội (Congress) khóa mới của Mỹ (gồm Thượng Nghị viện và Hạ Nghị viện và QH mới sẽ họp vào ngày 6/1/2021 để chọn người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống)
Như vậy, kết thúc ngày 8/12 chúng ta có 2 khả năng khác nhau là cả hai ƯCV Donald Trump và Joe Biden đều có thể để đạt 270 phiếu và trở thành Tổng thống tiếp theo của Mỹ.

Khả năng 1: Trump đạt trên 270 phiếu ĐCT và ở lại Nhà Trắng.
Khả năng 2: Biden đạt trên 270 phiếu ĐCT. Nhưng lại vẫn không chắc sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ. Chúng ta hãy đi sâu, phân tích khả năng 2 này.
Theo khả năng hai sẽ này, sẽ có hai 2 tình huống diễn ra:
Tình huống thứ nhất: Với việc Biden "cán mốc' 270 phiếu ĐCT, phe Trump thấy rằng việc thua cuộc của mình là "rành rành", không còn con đường nào khác để "bật ngược" trở lại và do đó sẽ sớm tuyên bố thừa nhận thất bại ngay sau có kết quả bầu ĐCT ngày 8/12. Lúc này, con đường trở thành Tổng thống của Biden là chắc chắn, không gì ngăn cản nổi.
Tình huống thứ hai: Nếu Trump "bật lại", không "mở" cho Biden con đường vào Nhà Trắng, quyết tâm bám trụ thì Trump có cách gì không?
25. Xin thưa là có. Và cái này mới ly kỳ và nhiêu khê của "Hoa Kỳ dị".
Theo quy định của Hiến pháp và Luật bầu cử Mỹ, Cơ quan lập pháp bang (State Legislatures) mới là thiết chế thông qua danh sách ĐCT của từng bang. Việc này họ phải hoàn tất vào ngày 14/12/2020 sau đó gửi đến Quốc hội Mỹ trước ngày họp là 6/1/2020.
Việc cơ quan lập pháp bang chọn ai là quyền của họ và đến đây Tòa án Tối cao "hết nhiệm vụ", không có thẩm quyền (mandate) để can thiệp vào quá trình này, hoặc quy định các cơ quan lập pháp bang bầu cho người này, không bỏ phiếu cho người kia.

Trong suốt chiều dài lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ, cử tri và người dân hầu như không quan tâm, và cũng chẳng cần biết đến các tiến trình bầu chọn Tổng thống Mỹ từ sau khi họ bỏ phiếu vì hai lý do:
Một là, đại đa số các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ từ đầu thế kỷ XX đến nay đều cho biết ngay kết quả ai sẽ là Tổng thống mới của nước Mỹ ngay trong đêm bầu cử.
Hai là, trường hợp có kiện tụng (rất hãn hữu) như Al Gore kiện Bush năm 2000 về kết quả kiểm phiếu tại Florida, thì mọi chuyện phải được giải quyết ngay trước ngày bầu chọn các ĐCT và không phải dùng đến bất cứ quy trình sau đó để chọn Tổng thống.
Do đó, các quy trình lựa chọn Tổng thống Mỹ sau ngày bầu cử chỉ còn mang tính hình thức và không mấy người thiểt tha quan tâm. Nhưng theo mạch giả thiết này, nếu Trump quyết đấu, thì mỗi giai đoạn sau ngày bầu cử sẽ là những cuộc đấu lý và đấu trí "để đời" và rất hồi hộp, đáng xem.
26. Trong lịch sử bầu cử Mỹ tính từ đầu TK XX đến nay, Cơ quan lập pháp bang (State Legislatures) đóng vai trò khá mờ nhạt, làm mỗi một việc là xác nhận danh sách các ĐCT hoặc Dân chủ, hoặc ĐCT Cộng hòa, tùy thuộc người chiến thắng ở tiểu bang đó thuộc đảng nào.
Có thế sẽ có người đặt câu hỏi, nếu như có Cơ quan lập pháp một tiểu bang nào đó "bác bỏ" danh sách ĐCT của đảng thắng cử tại bang của mình, rồi bầu một danh sách khác chỉ bao gồm các ĐCT của "đảng mình", nhờ đó giúp ƯCV Tổng thống của "đảng mình" đắc cử? Xin thưa là không. Vì danh sách ĐCT là rõ ràng, khi không còn kiện tụng nữa. Và cũng chẳng có ai đặt vấn đề ra các quyết định ngược, vì điều đó vừa lố bịch, vừa vi hiến.
Tuy nhiên, tình hình bầu cử năm nay ở Mỹ, nếu Trump quyết đấu, thì có thể sẽ rất khác và không giống bất kỳ một cuộc bầu cử Tổng thống nào diễn ra trước đó trong gần 250 năm của lịch sử nước Mỹ.
27. Trong 5 tiểu bang mà Trump đệ đơn kiện là Nevada, Arizona, Michigan, Pennsylvania và Georgia thì 4/5 Quốc hội tiểu bang này do Đảng Cộng hòa nắm đa số (trừ tiểu bang Nevada). Đây sẽ là những người "cầm cân nảy mực", quyết định danh sách ĐCT đại diện cho bang của mình, chứ không còn là việc của các ông/bà Thẩm phán ở Tòa án Tối cao cấp bang hay liên bang nữa.
Cũng tại Mỹ, một số bang còn có quy định riêng là Thống đốc bang xác nhận danh sách ĐCT. Trường hợp danh sách của Thống đốc và của Cơ quan lập pháp bang khác nhau thì hai bên ngồi lại để ra một danh sách chung.
Trường hợp 2 bên không "thống nhất" được một danh sách chung thì coi như số ĐCT của bang đó là có tranh chấp và cứ thế 2 danh sách ĐCT khác nhau được gửi thẳng lên Quốc hội (Congress) trước ngày 6/1/2021.

28. Lịch sử cận đại Mỹ ghi nhận 2 trường hợp sau liên quan đến bầu chọn Đại cử tri và bầu Tổng thống. Trường hợp thứ nhất: Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 1960 giữa 2 ƯCV Cộng hòa là Richard Nixon và ƯCV Dân chủ John Kennedy, cuộc bầu cử Tổng thống tại bang Hawaii giữa người thắng và thua sít sao đến mức một tòa án tiểu bang phải can thiệp và quyết định kiểm phiếu lại. Trong cuộc bỏ phiếu lần đầu trước khi kiểm lại, ƯCV Nixon thắng ƯCV Kennedy trong "đường tơ, kẽ tóc" tại tiểu bang Hawaii với 145 phiếu phổ thông. Nhưng sau khi kiểm phiếu lại thì Kennedy lại thắng Nixon với 141phiếu phổ thông, tức chỉ chênh lệch 0,06% số phiếu!
Ngay trong ngày 14/12/1960, Cơ quan lập pháp của bang Hawaii (Hawaii State Legislature) họp và gửi danh sách 3 phiếu Đại cử tri Dân chủ của Bang lên Quốc hội, thì cùng lúc Thống đốc Cộng hòa của bang cũng gửi danh sách 3 phiếu Đại cử tri lên Quốc hội, bỏ cho ƯCV Đảng Cộng hòa là Nixon, dựa trên kết quả bỏ phiếu... lần 1. Vì có tranh chấp, nên ba phiếu đại cử tri của Hawaii không được tính cho bất cứ bên nào.
Nhưng điều đó cũng chẳng hề gì với Kennedy vì kết quả chung trên cuộc toàn quốc trong cuộc bầu cử năm 1960, ƯCV Kennedy vẫn thắng Nixon với trên 100 phiếu Đại cử tri và sau đó trở thành Tổng thống mới của Mỹ.
29. Trường hợp thứ hai là Florida trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000 giữa 2 ƯCV Cộng hòa George Bush và ƯCV Dân chủ Al Gore.
Cuộc bỏ phiếu sít sao đến mức Tòa án Tối cao Mỹ phải vào cuộc và quyết định cho kiểm phiếu lại. Kết quả cuối cùng là ƯCV George Bush thắng với 537 phiếu phổ thông, sau đó giành được toàn bộ phiếu ĐCT của bang, và rồi thắng Al Gore về phiếu Đại cử tri toàn quốc.
Tuy nhiên, cái này thì báo chí không đề cập. Trước đó, cơ quan lập pháp bang do Cộng hòa nắm và Thống đốc bang (khi đó là Jeff Bush, em trai ƯCV George Bush) đã "chuẩn bị" phương án bầu chọn và gửi danh sách ĐCT Cộng hòa của bang Florida lên Quốc hội Mỹ, trong trường hợp kết quả kiểm lại phiếu phổ thông không "đi đến đâu" và họ cho rằng Bush thắng là "có cơ sở". Tuy nhiên, phương án này không phải dùng đến do George Bush đã thắng sít sao Al Gore theo quyết định dừng, không kiểm phiếu tiếp bằng tay của Tòa án Tối cao liên bang Mỹ.
30. Như trên đã nói, các cơ quan lập pháp của 4/5 tiểu bang mà nhóm Trump đang khởi kiện (trừ Nevada) do các Nghị sĩ đảng Cộng Hòa chiếm đa số. Nếu câu chuyện đã lên đến cơ quan lập pháp bang vào ngày 14/12 thì lúc này Tòa án Tối cao cấp bang và liên bang chỉ còn mỗi nhiệm vụ là giám sát xem các quá trình thực hiện việc bầu, chọn Tổng thống tiếp theo có đúng luật và các quy định hiện hành hay không.
Với giả định cho rằng sau ngày 8/12, Biden đã được 270 phiếu ĐCT "đút túi", vậy tại cuộc họp xác nhận số ĐCT trên tại Cơ quan lập pháp các bang thì số 270 phiếu ĐCT này có giữ được nguyên hay không? Câu trả lời là chưa chắc.
Các "rắc rối" và "khe hở" trong việc bầu chọn Tổng thống Mỹ xuất hiện ở chính chỗ này. Lúc này chúng ta hãy không chú ý đến các bang không có tranh chấp, không kiện cáo và số phiếu ĐCT của những bang này được mặc nhiên coi là các phiếu ĐCT "sạch".
Và đến đây chúng ta chỉ chú ý đến việc xác định kết quả bầu, chọn ĐCT tại 5 bang "dao động" và có "kiện cáo" này mà thôi.
Cuộc bầu chọn ngày 14/12 có thể đưa đến 3 kết quả sau:
- KẾT QUẢ THỨ NHẤT: Ông Biden được xác nhận có ít nhất 270 phiếu ĐCT "sạch" và danh sách này sẽ được gửi lên Quốc hội Mỹ. Quốc hội Mỹ họp vào ngày 6/1/2021 chỉ làm "nhõn" mỗi việc xác nhận ông Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11.
Khi đó, "Cụ" Biden chỉ bận tâm mỗi việc "duyệt" bài diễn văn và chọn xem "bận" bộ Comple nào trong ngày nhậm chức 20/1/2021
- KẾT QUẢ THỨ HAI: Một số hoặc tất cả 5 bang dao động bỏ phiếu đảo ngược kết quả chọn Đại cử tri ngày 8/12, theo đó ông Trump đạt ít nhất 270 phiếu ĐCT "sạch", vượt qua ông Biden. Việc "phê chuẩn" kết quả bầu, chọn cho Trump tại Quốc hội sau đó chỉ còn là vấn đề thủ tục. Và đến đây cửa "ngồi" lại Nhà Trắng của ông Trump lại sáng. Còn ông Biden sẽ trong tình trạng mất miếng "mỡ trước miệng mèo", "cay đắng" nhìn ông Trump lấy đi chiến thắng tưởng như đã mười mươi về mình.
- KẾT QUẢ THỨ BA: Cũng với các bang dao động bỏ phiếu với tiến trình nêu trong "Kết quả thứ hai" đề cập ở phần trên, nhưng kết quả lần này lại ra một con số "oái oăm", đó là: Cả 2 ông Biden lẫn ông Trump đều không thu đủ 270 phiếu ĐCT "sạch" cần thiết. Kèm theo danh phiếu ĐCT "sạch" bị 'hụt" dưới mức 270 này là một danh sách gồm các phiếu ĐCT "có tranh chấp", nơi mà cơ quan lập pháp ở một số tiểu bang không thể nhất trí và thông qua một danh sách chung. Danh sách "tranh chấp" này của từng tiểu bang sẽ xuất hiện dưới dạng một tiểu bang gửi 2 danh sách ĐCT khác nhau, một danh sách ủng hộ ƯCV Biden, một danh sách ủng hộ ƯCV Trump.

31. Đến đây, nếu chỉ đọc thông tin và các "phân tích" của đủ loại "chuyên gia" trên báo Mỹ (có thể cả rất nhiều "chuyên gia"... mạng nữa) thì các bạn sẽ không bao giờ tin "KẾT QUẢ THỨ HAI" và "KẾT QUẢ THỨ BA" lại có thể xảy ra vì với một Đảng CH đang bị "chia rẽ" trầm trọng, phong trào chống Trump trong Đảng CH đang dâng cao "ngùn ngụt", ủng hộ Trump chỉ toàn "bọn cực đoan", "bọn" cổ vũ, hô hào cho "sự thượng đẳng của Người da trắng"... thì làm gì có chuyện các nghị sĩ trong các cơ quan lập pháp quốc hội ở bang lại bỏ phiếu cho Trump, đi ngược lại "nguyện vọng" của cử tri Cộng hòa và người dân Mỹ ? Đó là chưa kể các ĐCT Cộng hòa do quá "chán ghét" Trump, nhân cơ hội này còn "phản phé" quay sang bỏ phiếu chống lại Trump và ủng hộ cho ứng cử viên Biden... và rất nhiều các câu hỏi, lập luận khá "khôi hài" và "ngây ngô" đại loại như vậy!
Chúng ta hãy tỉnh táo và nhìn ngược lại. Dù yêu Biden, ghét Trump hay ngược lại, chúng ta cũng phải thừa nhận với nhau rằng, không ít báo chí "tả" và "hữu" với nhiệm vụ "đưa đường, chỉ lối" thời gian qua đã làm cho rất nhiều người tin vào các lập luận thiển cận, nông cạn của họ, với rất nhiều "phân tích" và "dự báo" về Biden, về Trump, về chính trị Mỹ mà mới lướt qua cứ tưởng vô tư, khách quan nhưng thực chất chứa đựng rất nhiều điểm giờ đây được minh chứng là sai, thiếu chính xác, vô căn cứ và thiên vị. Đó là lý do tôi rất ít đọc và gần như chả là "fan ruột" của bất kỳ tờ báo, cơ quan truyền thông nào của Mỹ và phương Tây về chủ đề trên suốt thời gian qua.
Nếu có "Kết quả thứ hai" và "Kết quả thứ ba" theo giả định nêu ở trên, thì ông Trump và nhóm cố vấn pháp lý lẫn nhóm chiến lược của mình đã và sẽ làm gì để đảo ngược kết quả ngoạn mục như vậy?
Xin nhắc lại, ƯCV Trump và nhóm vận động tranh cử của ông ta hiện nay vẫn chưa đề cập đến khả năng mà tôi nêu ở trên tức lật ngược thế cờ thông qua thiết chế cơ quan lập pháp tiểu bang (State Legislatures). Chưa đề cập, chưa nói đến cách thức sử dụng vũ khí "hợp hiến" này không có nghĩa là họ sẽ không đề cập, hay sử dụng chúng trong tương lai.

32. Nếu như Trump còn quyết đấu đến đến cùng, thì đây sẽ là CON ĐƯỜNG HỢP HIẾN DUY NHẤT mà nhóm pháp lý và chiến lược của Trump đã tính đến, và đã, đang và sẽ sử dụng để đưa "thân chủ" của mình thẳng bước đến Nhà Trắng.
Vấn đề là bây giờ chưa phải lúc mà thôi. Nhưng nếu bây giờ chưa "phải lúc" thì khi nào mới là "phải lúc" để phe Trump công khai "hướng đi mới" này? Đó là khi mà phe Trump nhận thấy rằng tuy các bang chưa công bố chính thức kết quả kiểm phiếu lại, nhưng cuộc đấu qua con đường pháp lý (kiện tụng, phán quyết về gian lận, thủ tục bầu, kiểm tra, đếm phiếu...) vẫn khiến Trump chưa "kiếm" đủ 270 phiếu ĐCT cần thiết, trong khi ông ta và nhóm cố vấn vẫn tin là mình "thắng".
Và chúng ta chắc cũng không cần phải đợi lâu. Muộn nhất là ngày 5/12/2020 (mốc thời gian theo giả định của tôi), Trump và nhóm cố vấn phải quyết định "ĐẦU HÀNG" hay "ĐÁNH" . Đầu hàng thì quá dễ, còn khi quyết định đánh thì sẽ có 3 kết quả như đã nêu ở trên.
Bây giờ có một số câu hỏi cần được giải đáp:
Câu 1: Khả năng các ĐCT "phản phé" Trump?
Trong lịch sử 244 năm của nước Mỹ với 58 cuộc bầu cử Tổng thống, có tất cả 23507 phiếu ĐCT được bầu chọn cho các ƯCV Tổng thống sau khi các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc. Trong 23507 phiếu ĐCT đó, chỉ có 90 trường hợp các ĐCT không bỏ phiếu cho ứng cử viên như đã cam kết ban đầu. Những người này gọi là Unpledged Electors. Trong 90 trường hợp thì tuyệt đại đa số 86/90 được bỏ cho một ƯCV hoàn toàn khác, 3 phiếu bỏ không như cam kết ban đầu nhưng buộc phải bỏ lại vì có bang quy định đã cam kết bỏ cho ai thì phải bỏ cho người đó. Chỉ duy nhất có 1 trường hợp một ĐCT bỏ phiếu cho ứng cử viên Tổng thống của phe đối lập, nhưng không làm thay đổi kết quả chung cuộc.
Tại sao tỷ lệ "phản phé" lại thấp như vậy, chỉ 1/23507? Trước hết cần biết rằng, ở Mỹ để được chọn làm ĐCT (Elector) tức thay mặt đảng chính trị của mình đi bầu Tổng thống tại địa phương phải trải qua những quá trình hết sức nghiêm ngặt. Người được chọn là người hoạt động chính trị tích cực trong Đảng, chứng tỏ sự trung thành của mình qua rất nhiều hoạt động của Đảng như gây quỹ, vận động tranh cử cho ƯCV của đảng... Đối với những người được chọn làm ĐCT tượng trưng, đây là niềm tự hào, niềm vinh dự trong cuộc đời hoạt động chính trị của họ. Việc "phản phé" cũng đồng nghĩa với sự tự sát về mặt chính trị, thậm chí cả đời sống riêng sau này vì sẽ bị nguyền rủa suốt cuộc đời còn lại. Có thể ví hơi khập khiễng, nhưng người "phản phé" sẽ bị ghẻ lạnh không khác gì một người theo đạo bị "rút phép thông công" (excommunicated).
Câu 2: Trump có cách gì để "ép" các nghị sĩ tại cơ quan luật pháp bang (State Legislatures) phải bầu chọn danh sách ĐCT gồm những người ủng hộ mình? Họ có thể tự mình quyết định không tuân lệnh Trump được không?
Có thể trả lời trước rồi giải thích sau: Về lý thuyết và theo lý giải của "báo chí cánh tả" thì các nghị sĩ cấp bang sẽ bỏ phiếu theo "tiếng nói của cử tri", tức tôn trọng kết quả bầu cử, và kết quả này đã được "khẳng định" trong cuộc bầu chọn ĐCT ngày 8/11.
Tuy nhiên, trên thực tế một khi Trump đã "động binh" thì các nghị sĩ cấp bang có muốn bỏ cho Biden cũng không thể làm được. Vấn đề cốt lõi ở đây là hầu hết họ cũng nghĩ và hành động như... Trump, bảo vệ Đảng CH, bảo vệ Trump, bảo vệ kết quả bầu cử mà phần đông trong số họ nghĩ rằng họ đã "thắng" trong cuộc bầu cử, nhưng chiến thắng của họ đã bị Đảng DC "đánh cắp"!
Cần lưu ý 2 số liệu quan trọng ở đây là tỷ lệ ủng hộ dành cho Trump trong các cử tri đảng Cộng Hòa là 86%, một trong những mức cao nhất trong lịch sử; và trong số các cử tri CH đăng ký bỏ phiếu ngày 3/11 vừa qua thì có đến 71% bầu cho Trump, trong khi tỷ lệ bỏ phiếu của các cử tri DC cho ƯCV Biden chỉ là 51%.
Và cũng để trả lời câu này thì cần phải biết cơ chế hoạt động của các đảng chính trị trong hệ thống chính trị Mỹ (cũng như ở các nước phương tây khác). Trong đảng cầm quyền ở Mỹ, Tổng thống được mặc nhiên là "ông vua" - bên cạnh các lãnh đạo của đảng tại Thượng và Hạ viện - là người có quyền lực rất lớn vì nắm được:
(i) Lượng cử tri ủng hộ đông đảo,
(ii) Khả năng gây quỹ thông qua các Ủy ban hành động chính trị (Political Action Committee) hoạt động theo Điều khoản 507 (Section 507) của Đạo luật thuế vụ (IRS Code), và
(iii) Bộ máy tổ chức của đảng, ví dụ như RNC (Republican National Committee - Ủy ban toàn quốc Đảng Cộng hòa) hoặc DNC đối với Đảng Dân chủ (Democratic National Committee - Ủy ban toàn quốc Đảng Dân chủ).
Bất cứ cá nhân nào ở Mỹ, từ khi bước chân vào con đường chính trị và ra tranh cử ở cấp địa phương, như các nghị sĩ cấp bang chẳng hạn, thì đều phải dựa tối đa vào 3 chân kiềng này. Một người dù có năng lực đến đâu, nhưng không có khả năng thu hút quần chúng ủng hộ, không có khả năng quyên tiền (do chi phí và vận động bầu cử rất tốn kém) thì khó có khả năng thành công.
Và một khi đã trở thành nghị sĩ, dù ở cấp bang, thì ai cũng muốn tranh cử cho nhiệm kỳ sau. Chính vòng quay tranh cử ghế Hạ nghị sĩ ở cấp bang và liên bang hai năm một lần đã khiến các vị dân biểu này luôn đối mặt với các sức ép thường trực để được tái cử, tức vừa được trúng cử đã lo tranh cử cho nhiệm kỳ sau!
Theo con số thống kê (mọi người tự tra mạng và nên tra nhiều nguồn phải, trái khác nhau) 80% các cử tri CH tin rằng cuộc bầu cử vừa qua có gian lận lớn và Trump mới là người thắng cuộc. Bên cạnh đó, 72 triệu cử tri (con số cử tri đông đảo nhất từ trước đến nay) đi bầu cho một Tổng thống CH...
Phán quyết của tòa án và kết quả kiểm phiếu không có lợi cho Trump sau đó chỉ càng làm cho họ tin rằng hệ thống hiện hành đã bị Đảng DC làm cho "tha hóa" và cần phải sử dụng các con đường hợp hiến khác để "lấy lại" quyền lực và sửa chữa "lỗi hệ thống".
Việc Trump liên tục lên Tweeter "kêu oan", rồi dùng các cuộc vận động, tập hợp cử tri rất lớn từ các địa phương đến cấp liên bang... là để liên tục truyền thông điệp đó, đồng thời cũng hàm ý gửi thông điệp cảnh báo mạnh mẽ đến các nghị sĩ có ý định "phản phé" là cử tri sẽ "vùng dậy" dùng lá phiếu để quật đổ, thay thế họ trong cuộc bầu cử lần tới nếu họ "hèn nhát", không có gan hành động để bảo vệ Đảng CH trước thời khắc "sinh tồn" hiện nay. Cần lưu ý rằng, lúc này Quốc hội các bang đang bắt đầu bầu chọn lãnh đạo và Trump, RNC cùng các cố vấn hô hào, can thiệp để các nghị sĩ bang chọn "thủ lĩnh" tại QH địa phương là những người "thông minh" và là các "chiến binh" là do liên quan đến lý do này.
Tất cả những điều trên tác động rất lớn đến các quyết định bầu chọn danh sách ĐCT ngày 14/12/2020. Và đó là lý do để tôi đưa ra 3 kết quả như vậy.
Và cũng xin nhắc lại, đây không phải là ý nghĩ chủ quan của tôi, mà tôi chỉ tìm mạch tư duy của Đảng CH hiện nay, để chia sẻ, giúp mọi người có một sự hình dung đầy đủ về phương cách hoạt động của hệ thống chính trị Mỹ và các hành động tiếp theo của họ.
33. CHẶNG 3 TỪ 8/12/2020- 6/1/2021
Kết thúc chặng 2 từ 8-14/12 (nếu Trump tiếp tục "ĐÁNH", ta sẽ có 3 kết quả: (i) Biden đạt từ 270 phiếu ĐCT trở lên; (ii) Trump đạt từ 270 phiếu ĐCT trở lên; (iii) Cả Biden và Trump không ai đạt 270 phiếu ĐCT, cộng với một danh sách dài các phiếu tranh chấp, trong đó cả hai đều có tên là người chiến thắng được gửi lên Quốc hội mới của Mỹ.
Theo quy định thì ngày mùng 6/1/2021, Quốc hội mới (Congress - gồm cả Thượng viện và Hạ viện) khóa 117 của Mỹ họp, xem xét các phiếu Đại cử tri mà các tiểu bang chọn và gửi lên, rồi sau đó tuyên bố ai là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và người đó nghiễm nhiên sẽ trở thành Tổng thống mới của Hợp chúng Quốc Hoa Kỳ.
Theo quy định, cuộc họp sẽ diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Tổng thống Mike Pence. Xin khẳng định lại là ông Mike Pence mặc dù là Phó của ông Trump, nhưng thực tế khi chủ trì họp chả có vai trò gì trong vấn đề này. Cả Quốc hội mới cũng vậy. Cuộc họp của họ chỉ hoàn toàn mang tính thủ tục và hình thức xác nhận một việc đã rồi.
Nói thêm một chút về QH khóa mới 117 mới này của Mỹ. Ngày 3/1/2021, theo luật định QH mới của Mỹ bắt đầu họp phiên khai mạc khóa mới. Cuộc họp QH mới diễn ra trong bối cảnh tại Hạ viện, phe Dân chủ tiếp tục chiếm đa số, nhưng đa số của họ đã bị "mỏng" đi rất nhiều khi có ít nhất 12 ghế của Đảng Dân chủ bị "rơi" vào tay các nghị sĩ Cộng hòa. Hiện tại Hạ viện vẫn còn 13 khu vực bầu cử chưa xác định xong danh sách các HNS, và số phiếu của Dân chủ so với Cộng hòa là 219/203 (218 là đủ chiếm đa số).
Tại Thượng viện, số ghế hiện nay chia cho hai đảng như sau: Đảng CH nắm 50, Đảng DC nắm 48 và tổng số ghế của Thượng viện là 100. Hai ghế còn khuyết là của hai TNS bang Georgia. Trong cuộc bầu cử ngày mùng 3/11, không ƯCV Thượng nghị sĩ nào của bang Georgia đạt đủ số phiếu 50% trở lên, và theo quy định của bang thì phải bầu cử lại. Cuộc bầu cử tại Georgia sẽ diễn ra vào ngày 5/1/2021, nhưng không chắc Georgia sẽ có kết quả kiểm phiếu vào ngày mùng 6/1 khi Quốc hội mới họp để chính thức chọn Tổng thống. Tuy nhiên, giả sử đến ngày 6/1 vẫn chưa có kết quả bầu cử Thượng nghị sĩ tại Georgia, thì sự vắng mặt của họ cũng không ảnh hưởng đến kết quả quả bầu chọn Tổng thống.
Với 3 kết quả có khả xảy ra ở trên thì Quốc hội Mỹ sẽ chọn Tổng thống thể nào?
Trường hợp như ở "Kết quả thứ nhất" hoặc "Kết quả thứ hai" khi người chiến thắng hoặc là ƯCV Tổng thống Biden hoặc là ƯCV Trump, mỗi người đạt trên 270 số ghế ĐCT thì việc lựa chọn quà dễ dàng.
Nhưng khi rơi vào trường hợp thứ ba, khi không có người thắng kẻ thua rõ ràng thì họ sẽ bầu chọn thế nào?
Bây giờ chúng ta cùng bước vào giai đoạn thứ tư và chặng chót của cuộc đua.

33. CHẶNG 4 TỪ 6/1/2021- 20/1/2021
Đến giai đoạn này khi không ƯCV nào đạt 270 phiếu ĐCT, cùng bên cạnh một số ĐCT còn tranh chấp.
Lúc này, Quốc hội Mỹ cũng hết vai trò lựa chọn Tổng thống. Và theo luật định, cơ chế lựa chọn Tổng thống Mỹ từ đây sẽ do Hội nghị đại biểu các bang (Conference of State Delegations) sẽ lựa chọn.
Theo quy định, mỗi bang chỉ có một phiếu, và phiếu "đại diện" của mỗi bang nhất định sẽ bỏ cho Cộng hòa hay Dân chủ tùy thuộc vào việc đảng nào chiếm đa số ở Hạ viện của tiểu bang đó sau bầu cử 3/11.
Sau cuộc bầu cử ngày 3/11, so sánh tương quan lực lượng giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ tại 50 tiểu bang như sau:
- Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện 26 bang, được 26 phiếu.
- Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện 24 bang, được 24 phiếu.
Cuộc bầu chọn của State Delegations phải diễn ra trước 20/1 (ngày nhậm chức TT mới) và kết quả là 26 ông Cộng hòa kia sẽ "trao ghế TT" cho Trump.
Và ông Trump tiếp tục trở thành Tổng thống mới của Mỹ một cách làm hoàn toàn hợp pháp, hợp hiến.
Lúc này, nếu khả năng này diễn ra, cả nước Mỹ, thể giới rơi vào "cơn sốc" mới. Còn "sốc" thể nào, "hệ quả" sẽ ra sao cho nước Mỹ và thế giới thì tôi sẽ bàn sau, nếu như có kịch bản này.
Một số chia sẻ cá nhân thay cho lời kết:
(i) Trong khá năng hạn hẹp của mình, qua 3 phần viết tôi cố gắng phác họa cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 từ một góc nhìn riêng. Viết, tìm hiểu là thú vui, đam mê, trong khi vẫn còn việc khác phải giải quyết như mọi người là việc không dễ, nhất là chủ đề này hết sức khó nhằn, và thông tin thì "cả núi".
Các thiếu sót và hạn chế do hiểu biết cá nhân có thể vẫn còn, khó tránh khỏi. Mong các bạn muốn tranh luận thì tự tìm chỗ trao đổi cùng nhau, đừng kéo tôi. Xin cảm ơn. Khi đã nghỉ ngơi đủ, và có thời gian, tôi sẽ comment và trả lời nếu thấy cần thiết.
(ii) Khi thấy Trump liên tục nói "Tôi đã chiến thắng" và "Tôi sẽ chiến thắng", tôi linh cảm thấy Trump không kêu vu vơ và với tính cách của mình, Trump sẽ không bỏ cuộc khi vẫn còn nhìn thấy một tia hy vọng, dù mong manh, nhỏ bé. Và đó là lý do tôi tìm cách để lý giải, theo sự mách bảo của lý trí, dựa trên các quy định hiện hành của nước Mỹ, chứ không phải dựa vào cảm tính.
(iii) Cho đến nay, tôi vẫn nhìn nhận Biden có cơ cao hơn cả. Đường đi đến đích của Trump cửa nào cũng đầy dốc, cheo leo và đầy trở ngại. Do đó, tôi dùng khá nhiều từ như "khá năng cao", "nếu như"... dựa trên các thông tin mà tôi có được ở thời điểm hiện nay.
Nhưng hãy còn quá sớm để nói Trump không "còn cửa". Nhìn cách huy động, củng cố bộ máy của ông ta, tôi tin và cũng linh cảm rằng "bộ sậu" của Trump đã có suy tính trước, lên và chuẩn bị tất cả các kịch bản từ lâu.
Nếu theo dõi kỹ, nhất là trong cuộc gặp mặt với báo giới lúc 2h sáng trong đêm bầu cử, khi thấy có thông tin bất lợi, Trump đã ngay lập tức chuyển sang Plan B (kế hoạch B). Và sau đó, ngay cả bây giờ cũng vậy, đủ màn hỏa mù, triển khai dàn quân nhiều mặt trận, chiến thuật đánh lạc hướng... được tung ra tới tấp. Khi nhóm Biden, truyền thông bị hút vào trận địa này thì Trump lại chuyển sang trận địa khác, trong khi chưa nói và giấu kỹ các bước đi tiếp theo cho đến thắng lợi chung cuộc của mình.
(iv) Tôi tìm nhiều ví dụ để minh họa, nhưng sau đó tôi thấy vụ OJ Simpson là gần gũi hơn cả liên quan đến báo chí, dư luận đặc biệt quan tâm, một vụ việc mà ai cũng tin thất bại mười mươi, nhưng nhờ có đấu pháp hơp lý nên đã giành "chiến thắng".
Vụ việc của Trump cũng tương tự, quy trình pháp lý chỉ một phần, nhưng tính toán chiến lược hợp lý, tìm đủ mọi cách hợp pháp để chiến đấu và chiến thắng mới là chuyện đáng suy ngẫm.
(v) Tôi không muốn để giả định đi quá xa. Nhưng nếu Trump quyết đấu và giành được chiến thắng chung cuộc, thì đây có lẽ là một sự kiện hy hữu có một không hai trong lịch sử chính trị gần 250 năm của Hợp chúng Quốc Hoa Kỳ. Lần đầu tiên, một ứng cử viên Tổng thống bị thua phiếu phổ thông trong bầu cử Tổng thống và cũng được giả định, được nhiều người tin rằng cũng thua cả ƯCV đối lập về phiếu ĐCT, nhưng rồi lại vượt qua được các kẽ hở trong quy định của luật pháp, rồi ở lại Nhà Trắng trong đường tơ, kẽ tóc.

__________________________________________________

Tác giả: Hoàng Anh Tuấn

– Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, Phó Tổng thư ký ASEAN