Bước tính tiếp theo của Biden và Trump: Đấu khẩu, đấu pháp và đấu trí (Phần 1)
Trong phần viết này tôi sẽ nêu tất cả các khả năng có thể xảy ra và dùng phương pháp loại trừ, cũng như nhấn mạnh vào chiến lược của từng bên. Mọi người có thể nhìn vào đó để tham khảo sự kiện sẽ diễn tiến đến đâu qua từng giai đoạn.
So với các phần đã viết trước, phần này khá "tẻ nhạt" vì phải đi vào những vấn đề rất cụ thể. Ai thực sự quan tâm thì mới đủ kiên nhẫn để đọc và theo dõi.
11. Tình hình chung: Sau bầu cử 3/11, tạm giả định ông Trump là người "dưới cơ". Và từ giờ trở đi, chúng ta chỉ chú ý đến đúng một con số là 270 phiếu Đại cử tri (ĐCT). Chỗ này cần nhắc thêm một chút là tại sao phải 270 phiếu ĐCT? Đó là vì tổng số phiếu ĐCT trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là con số không đổi 538. Do đó, bất kỳ ƯCV nào đạt được tổng số 270 phiếu ĐCT trước ở bất cứ thời điểm nào trước 20/1/2021 thì người đó sẽ đương nhiên trở thành Tổng thống tiếp theo của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Nay có 2 tình huống:

TÌNH HUỐNG THỨ 1

Cho đến giờ, do chưa có bất kỳ cơ quan nào xác nhận một trong 2 ƯCV là người chiến thắng, do đó phải giả định một trong hai ông đều có thể thất bại. Từ lúc này trở đi cho đến 20/1/2021, bất cứ lúc nào khi 1 trong 2 ƯCV thừa nhận "thất bại" thì lúc đó "cờ tàn", ƯCV kia sẽ đương nhiên được xem là người thắng cử, và là Tổng thống tiếp theo của Mỹ.
- Ông Biden được xem ở "cửa trên" nên chắc sẽ không thừa nhận "thất bại", mà chỉ chờ đến ngày ông Trump thừa nhận thất bại, hoặc bị kết luận thua cuộc là vào "tiếp quản" Nhà Trắng.
- Còn ông Trump, người được coi là "dưới cơ", nhưng lại chưa thừa nhận thất bại và cũng chưa có ý định thừa nhận thất bại, ít nhất vào lúc này. Và hiện cũng chưa có quyết định chính thức của bất kỳ một cơ chế có thẩm quyền nào quyết rằng ông Biden là người chiến thắng.
Đó là những gì chúng ta thấy hiện nay. Nhưng tình hình này cũng không thể kéo dài mãi và từ đây dẫn đến tình huống khác.

TÌNH HUỐNG THỨ 2

Ông Trump sử dụng tất cả "sức tàn" của mình để "lật ngược" thế cờ, và quyết đấu cho đến chặng cuối là 20/1/2020.
Những điều mà chúng ta thấy hiện nay là ông Trump liên tục đăng các dòng Tweet trên trang Twitter của mình, đại loại như: "Tôi đã thắng cử" (I won the election), "Chẳng có gì để thừa nhận thất bại cả" (Nothing to concede), rồi ông Bộ trưởng ngoại giao cũng tự tin tuyên bố sẽ có chuyển giao quyền lực, "nhưng chuyển giao sang... Chính quyền Trump nhiệm kỳ 2".

Trong tình huống này cũng có 2 giả định. Giả định 1 là, ông Trump chỉ tìm cách cản trở, "ngoan cố" và "ông này" vẫn thường tuyên bố "linh tinh" như "ông ấy" vẫn thường làm trong suốt 4 năm qua. Cứ cho rằng giả định này đúng, ông Trump nói năng "không bình thường", thì việc đưa các tuyên bố như vậy cũng chỉ kéo dài giỏi lắm là khoảng 2 tháng nữa khi Nước Mỹ có một Tổng thống mới.
Giả định 2 là, ông Trump là người hoàn toàn bình thường. Các tuyên bố như "Tôi đã chiến thắng", "Tôi sẽ tiếp tục làm Tổng thống Mỹ"... không phải là những tuyên bố vu vơ, không có căn cứ, mà dựa trên một niềm tin vững chắc và có thật.
Vậy ông Trump có thể và sẽ làm gì?
12. Như vậy, bắt đầu từ đây, chúng ta sẽ "bám" vào giả định 2 trong tình huống 2 này để phân tích, xem ông Trump có cách gì để tiếp tục "trụ bám" quyền lực và sẽ trụ bám được bao lâu.
Sau ngày bầu cử 3/11, với kết quả chưa ngã ngũ, nhưng có vẻ tạm nghiêng về cựu PTT Biden (theo đánh giá của truyền thông), nên cách tiếp cận và sử dụng chiến lược của nhóm ƯCV Trump và nhóm ƯCV Biden giờ đây hoàn toàn khác nhau.
Trong khi nhóm của Biden bằng mọi cách giữ và bảo toàn "chiến thắng", thì nhóm Trump lại phải buộc phải "tấn công tổng lực" để giành "chiến thắng".
Sở dĩ cách tiếp cận và chiến lược hai bên có sự khác nhau là do "so sánh lực lượng" giữa hai bên ở thời điểm hiện tại. Nhìn bề ngoài, Nhóm Biden dường như "có lợi thế hơn" khi được phần lớn báo chí, các hãng truyền thông và mạng xã hội gọi là "Tổng thống đắc cử" (President-elect). Bên cạnh đó, theo tin báo chí, ông Biden được khoảng 50 lãnh đạo thế giới chúc mừng là Tổng thống/Tổng thống đắc cử của nước Mỹ.

13. Bây giờ chúng ta hãy đi sâu vào từng chặng nhỏ trong 6 bước mà tôi đã nêu ở Phần 1 và tôi tóm lại 6 bước này thành 4 chặng mới
- Chặng 1 từ nay đến hết ngày 8/12/2020: Các bang hoàn tất quá trình bầu cử, chọn các Đại cử tri..
- Chặng 2 từ 8-14/12/2020: Trong đó ngày 14/12/2020 sẽ diễn ra Hội nghị bầu chọn các Đại cử tri tại từng tiểu bang và danh sách ĐCT sẽ được các thiết chế có thẩm quyền ở từng tiểu bang xây dựng và gửi lên Quốc hội khóa mới của Mỹ (gồm Thượng Nghị viện và Hạ Nghị viện)
- Chặng 3 từ 8/12/2020- 6/1/2021: Quốc hội khóa mới của Mỹ đọc và xem xét các phiếu Đại cử tri mà các tiểu bang chọn và gửi lên. Trong ngày 6/1/2021, Quốc hội dưới sự chủ trì của Phó Tổng thống Mike Pence chính thức xác định người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua và sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.
- Chặng 4 từ 6/1-20/1/2021: Hoàn tất các bước cuối cùng để Tổng thống mới của nước Mỹ sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021 cho nhiệm kỳ bốn năm 1/2021-1/2025.
Tôi sẽ tiếp tục dùng phương pháp loại trừ, cũng như phân tích 3 chiến lược chủ yếu được các bên sử dụng trong từng chặng thời gian này, đó là chiến lươc pháp lý, chiến lược truyền thông và chiến lược chung
Nào, chúng ta hãy đi sâu vào từng chặng 1 cùng các chiến lược mà họ sử dụng.
14. CHẶNG 1 TỪ NAY ĐẾN HẾT NGÀY 8/12/2020:
Các bang hoàn tất quá trình bầu cử, chọn các Đại cử tri (đích là 270 phiếu).
Theo luật pháp Mỹ, sau ngày bầu cử, nếu các bên liên quan nếu có nghi ngờ, có bằng chứng về những "điều bất thường" (irregularities) thì họ có thể khởi kiện (xem file đính kèm ở Phần 1 về thời hạn giải quyết câu chuyện kiên cáo, điều tra và kết luận các khiếu kiện).
Việc khiếu kiện, xin nhắc lại, là điều hết sức bình thường ở nước Mỹ trong đó có cả việc khiếu kiện liên quan đến bầu cử. Tất nhiên, để được thụ lý vụ kiện cũng là một việc khá nhiêu khê. Một số bang quy định, chỉ chấp nhận xem xét khiếu kiện, đếm lại phiếu nếu như số phiếu bầu giữa hai bên chênh lệch không quá 0,5%.
Tất nhiên, khi khởi kiện lần này, chiến lược nhóm pháp lý của Trump lần này tập trung vào toàn bộ quy trình bầu cử ở một số "bang dao động", cách thức bầu cử, đếm và kiểm phiếu. Cái này cũng cần chú ý vì có người có thể đặt câu hỏi là quy trình này đã có và tồn tại ở nước Mỹ cả trăm năm nay rồi, trước đó khi "thắng" sao Trump không "kiện" mà giờ thua lại lôi ra khởi kiện.
Xin trả lời như sau: Một là, trong lịch sử bầu cử ở Mỹ cũng như ở bất kỳ nước nào khác từ cổ chí kim đến nay, chả có ông nào thắng cử lại đi kiện cái quy trình giúp mình thắng cử. Họ chỉ kiện khi thua đối thủ.
Hai là, những quy định và quy trình mà Nhóm Trump khởi kiện lại là những quy định mới được thông qua và áp dụng chỉ ít ngày trước khi diễn ra bầu cử để đối phó với tình hình mới. Năm nay là năm đặc biệt vì do Covid-19 nên số lượng cử tri yêu cầu bỏ phiếu qua thư đặc biệt cao. Thực tế thì người Mỹ đã bỏ phiếu bằng thư từ cả trăm năm nay, nhưng phiếu bỏ bằng thư chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ không bao giờ ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Và đến ngày bầu cử, hầu hết người Mỹ bỏ phiếu trực tiếp ở các địa điểm bỏ phiếu nên chuyện sai sót, gian lận cực kỳ thấp.
Khi một bên khởi kiện, thì tòa án theo luật định sẽ phải nhận đơn kiện. Còn họ có thụ lý, dựa trên kết quả điều tra của cảnh sát, FBI hoặc các cơ quan bảo vệ pháp luật hay không lại là chuyện khác.
15. Đến đây, chúng ta buộc phải đồng ý với nhau một điểm, trước khi bàn tiếp: Trừ các bang mà một trong hai ƯCV đã có kết quả thắng/thua rõ ràng như California, New York, Florida... và không có khiếu kiện, thì phiếu ĐCT ở các bang này tôi tạm gọi là phiếu ĐCT "sạch" đương nhiên được tính cho UCV thắng.
Còn khi có tranh chấp kiện tụng và kiện tụng chưa có kết luận thì số phiếu ĐCT của bang đang có kiện tụng phải bị tạm gác sang một bên, không được tính cho ai cả, chờ cho đến khi các tranh chấp được giải quyết.
Thời gian theo luật định tòa án buộc phải thụ lý và trả lời các khiếu nại trước ngày 8/12, là ngày các bang phải chọn xong các ĐCT.
Hiện nay, có 5 bang mà nhóm của ông Trump đang đệ đơn kiện với 21 hồ sơ là Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, and Pennsylvania - xem link ở dưới (cập nhật thông tin này cách đây vài hôm và hôm nay có thể có số liệu cập nhật hơn).
Như vậy, tổng số phiếu ĐCT của 5 bang đang có tranh chấp pháp lý nêu trên là 69 và tạm thời được để ra một bên, chưa được cộng cho bất kỳ ƯCV nào nếu như chưa có kết luận rõ ràng bởi các thiết chế có thẩm quyền theo luật định. Như vậy số phiếu ĐCT "sạch" còn lại của 2 ƯCV Tổng thống hiện giờ như sau: Biden 237 phiếu ĐCT, và Trump được 232 phiếu ĐCT (ai được 270 phiếu ĐCT trước thì thắng), tức chênh nhau giữa 2 ƯCV hiện giờ chỉ là 5 phiếu.
Cái này báo chí và truyền thông của Mỹ không muốn cho bạn biết. Ngoài ra, con số ĐCT mà chúng ta tạm thống nhất là "sạch" ở trên có thể có thay đổi, dù khả năng xảy ra là cực nhỏ. Ví dụ, sau khi xem xét các đơn kiện của nhóm Trump ở Tòa án Tối cao liên bang và qua thực tế kiểm phiếu lại, các thẩm phán thấy rằng một số phần mềm như Dominion có lỗi nghiêm trọng (đang bị kiện ở Michigan) có khả năng ảnh hưởng đến kết quả bầu cử ở cả 47 "Hạt" (country) trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, họ có thể sẽ không đồng ý về việc đếm lại ở các "Hạt" khác các vì thời gian còn lại để kiểm phiếu vaf công bố kết quả bầu cử không còn nhiều. Tuy nhiên, các kết luận của Tòa án có thể sẽ có ảnh hưởng nhiều đến cuộc đấu tiếp tục của Nhóm Trump sau ngày mùng 8/12/2020.
16. Bây giờ chúng ta đi tiếp vào câu chuyện khởi kiện. Đến thời điểm này, trong 2 ƯCV thì chỉ có một bên đi kiện. Nhóm tranh cử của Tổng thống Trump cho rằng mình bị thua "oan ức" nên kiện. Nhóm của ông Biden là "thắng cuộc" nên chả có việc gì phải đi kiện cáo và tham gia các vụ kiện để làm gì.

Ở đây có một chi tiết đáng lưu ý, nếu như thông tin của tôi là chính xác, chưa bao giờ trong lịch sử chính trị cận đại Mỹ lại có một ứng cử viên Tổng thống lại đi kiện cùng lúc ở ít nhất 5 tiểu bang (tính đến thời điểm này). Lần gần đây nhất là ƯCV Dân chủ Al Gore "kiện tụng" thì cũng chỉ ở một địa hạt là Palm Beach, vì kết quả tiếp tục nơi đây có thể thay đổi toàn bộ kết quả bỏ phiếu tại bang Florida, và nhờ vậy có thể thay đổi kết quả chung cuộc.
Nhưng lần này, Nhóm ông Trump chọn kiện cùng lúc 5 tiểu bang cũng có lý do riêng của nó. Đó là vì chưa bao giờ trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ cận đại, kết quả thắng thua lại có sự chênh lệch rất sít sao ở hàng loạt bang "dao động" và bang "chiến địa" như 5 tiểu bang nêu trên. Họ hy vọng, việc thay đổi kết quả kiểm phiếu phiếu, sau khi vụ kiện kết thúc, có thể đưa đến thay đổi kết quả chung cuộc và như vậy vẫn giúp Trump tiếp tục "ngồi" lại trong Nhà Trắng
17. Về việc kiện tụng, tôi sẽ không đi hết tất cả các tiểu bang, mà chỉ xin lấy tiểu bang Georgia làm ví dụ minh họa. Theo luật của bang Georgia, do số phiếu chênh lệch của hai ƯCV rất thấp, và luật Georgia quy định sẽ có kiểm phiếu lại nếu số phiếu chênh lệch giữa 2 ƯCV dưới 0,5% và một trong hai bên yêu cầu. Nhưng tại bang Georgia, việc kiểm phiếu lại vẫn chưa làm Nhóm Trump hài lòng, họ đưa ra rất nhiều "đòi hỏi" xem ra rất "phi lý" như: phải kiểm phiếu bằng tay, kiểm tra đối chiếu chữ ký, kiểm tra lỗi phần mềm máy đếm phiếu, kiểm tra lỗi các lá phiếu... Nói tóm lại là yêu cầu thanh tra (audit) toàn diện việc bầu, bỏ và kiểm tra phiếu ở Georgia.
Đọc đến đây các bạn đừng cười. Đã kiện tụng thì ai cũng phải tìm cách lợi dụng tối đa lợi thế về mình. Việc Nhóm Trump đòi hỏi thì cứ đòi hỏi, nhưng có đáp ứng được không thì lại phải theo luật của bang. Vậy mục đích họ theo đuổi là gì? Đó là bằng mọi cách để tìm ra các sai sót trong toàn bộ quy trình bỏ và kiểm phiếu ở Georgia.
Đừng nói rằng Nhóm các luật sư của Trump là những kẻ khù khờ. Có thể họ đã nắm chắc tất cả những điều trên ghi trong luật bầu cử của Georgia và những điều họ kiện cáo đều nằm trong luật này. Nhưng ở đây cũng lưu ý là bang Georgia nhiều khả năng sẽ không thể đáp ứng được được tất cả các yêu cầu của Nhóm Trump vì họ không có nhiều thời gian và phải tính đến lịch hoàn tất mọi việc trước 8/12.
Giờ đây có 2 chuyện khác: Nếu kết quả kiểm phiếu lại mà Trump thắng ở Georgia thì OK. Còn khi kết quả chung cuộc không thay đổi, vấn bất lợi, thì nhóm ông Trump sẽ có cớ cho rằng bang Georgia không làm đúng quy trình, có sự "bao che" và "gian lận" có hệ thống.
Nếu phù hợp với tính toán của Nhóm ông Trump là sau khi kiểm phiếu lại ở bang Georgia mà ông Trump "thắng lớn", có sự chênh lệch so với kết quả công bố ban đầu, thì họ có thể cho rằng ở các bang khác hoặc thậm chí trên toàn quốc tình hình cũng diễn ra theo hướng có lợi cho ông Trump nếu việc bầu, kiểm và đếm phiếu minh bạch và có thể phe Dân chủ đã có âm mưu "ăn gian có hệ thống" từ trước.
18. Câu chuyện ở bang Georgia chỉ là một ví dụ. Ở các bang khác, tùy theo vấn đề, lỗi mà nhóm ông Trump họ phát hiện được ra sao thì họ sẽ đệ đơn kiện để làm sáng tỏ các thắc mắc. Tuy nhiên chiến lược chung thì dường như không thay đổi.
Ngoài ra còn là câu chuyện kiện về quy trình, thủ tục như thời hạn nhận phiếu, được gia hạn đếm phiếu bao lâu sau bầu cử, quy trình ra quyết định có theo luật không... Do số phiếu giữa hai ƯCV lần này chênh lệch nhau rất thấp, nên bất cứ một quy trình nào bị bác bỏ tại dù chỉ một bang thì cũng đồng nghĩa với việc có một số lượng phiếu nhất định bầu cho một ƯCV này sẽ không được tính, và do đó có thể làm thay đổi kết quả chung cuộc.
Và như đã có lần nói, các luật lệ của Mỹ quy định khá phức tạp và rắc rối. Do đó, đây là lúc để các luật sư phát huy hết các "tài nghệ" để đem lại kết quả có lợi nhất cho thân chủ của mình.
Và cũng cần nhắc lại, Tòa án Tối cao Mỹ, hoặc Tòa án Tối cao cấp bang sẽ không xét xử người này thắng hay người kẻ thua ra mà chỉ xem xét các quyết định hành pháp liên quan đến bầu cử có đảm bảo đúng theo luật lệ hiện hành của bang hay liên bang không. Và chừng đó cũng đủ để thay đổi kết quả chung cuộc ở một hoặc vài bang, và có thể cả kết quả chung nữa.
19. Dưới đây chỉ xin tóm tắt một số lập luận chính của phe Trump đi khiếu kiện (chủ yếu ở cấp bang, phần nào ở cấp liên bang) như sau:
(i) Tính hợp pháp của quy trình nhận, đếm, và kiểm phiếu ở cấp bang, quy định mới có đúng luật hay không;
(ii) Tinh hợp pháp của các lá phiếu bầu qua thư (thật, giả, sai chữ ký, người chết bỏ phiếu...);
(iii) Có hay không việc áp dụng tiêu chuẩn kép trong cùng một tiểu bang (tạo điều kiện dễ dàng cho các cử tri Dân chủ, trong khi gây khó khăn cho các cử tri Cộng Hòa);
(iv) Gian lận "có hệ thống", đặc biệt tại các "hạt" có đông cử tri dân chủ sinh sống;
(v) Lỗi của phần mềm Dominion "tự động chuyển phiếu" từ bỏ cho Trump thành sang bỏ cho Biden là thật hay giả.
Và cũng xin nhắc lại là trong giai đoạn này chỉ có phe của Trump đi kiện, phe Biden không tham gia bất cứ vào các vụ kiện cáo nào, nên tôi không nhắc lập luận của họ ở đây. Nhưng một điều chắc chắn là các luật sư của Dân chủ lên truyền thông để phản bác các lập luận của phe CH và tư vấn pháp lý rất nhiều cho các bình luận viên của các phương tiện thông tin đại chúng.

20. Khi các khiếu kiện được chấp nhận, thì các cuộc điều tra cũng bắt đầu được tiến hành. Đồng thời các Tòa án Tối cao ở cấp tiểu bang và cấp liên bang cũng bắt đầu các thủ tục để xem xét theo thẩm quyền của mình.
Đã giải quyết khiếu kiện thì phải có kết quả giải quyết, có thắng, có thua. Ở đây diễn ra hai khả năng khác:
Khả năng 1 về pháp lý: Phe Trump thắng kiện, theo nghĩa Tòa án tối cao một số tiểu bang, kể cả Tòa án Tối cao vào cuộc và kết luận các "tố cáo" của Trump có "cơ sở" và kết quả thanh tra, kiểm phiếu lại có lợi cho Trump.
Trump không "thắng" hết ở cả 5 tiểu bang mà mình đã đệ đơn kiện, nhưng đủ thắng vài ba bang để đạt 270 phiếu ĐCT. Đây có lẽ là kết quả "mơ ước" của Nhóm Trump. Và đến đây, con đường tái cử và trở thành Tổng thống nhiệm kỳ 2 của Trump được mở rộng. Đến ngày 8/12/ 2020, danh sách ĐCT bầu cho Trump được duyệt và chờ thông qua vào ngày 14/12.
Nhưng theo thông tin công khai có được cho đến nay, kiện thì cứ kiện, nhưng tình hình xem chừng "cửa thắng" vẫn còn mịt mờ. Về khả năng thắng kiện ra sao, giờ có lẽ hai nhóm luật sư của 2 ƯCV là hiểu hơn cả. Nhưng ngoại trừ mỗi ông Rudy Giuliani, luật sư của Tổng thống Trump, là "to mồm" hay lên truyền thông, chứ còn lại hầu hết vẫn im như thóc nên sự thực là chúng ta biết rất ít về khả năng này.
Khá năng 2 về pháp lý: Phe Trump thua kiện về mặt pháp lý "toàn tập". Toàn bộ quy trình xem xét đơn khiếu kiện của Nhóm Trump cũng y chang như ở khả năng 1.
Theo khả năng này, số bang mà Trump bị xử thua nhiều hơn là số bang mà Trump thắng. Kết quả là Biden đạt ít nhất 270 phiếu ĐCT, vượt lên Trump, và trong ngày 8/12 con số này sẽ được xác nhận.
Nhưng khả năng này có đưa đến việc Biden trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ hay không, thì câu trả lời vẫn là... chờ xem. Tại sao lại như vậy?
(Còn tiếp)

_______________________________________

Tác giả: Hoàng Anh Tuấn

- Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, Phó Tổng thư ký ASEAN