1. Trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, thông thường giai đoạn vận động và tranh cử quyết liệt của các ứng cử viên sẽ kết thúc vào ngày trước khi bỏ phiếu chính thức, mà năm nay là ngày mùng 3/11/2020. Sau đó họ hồi hộp chờ đợi. Người may mắn thì chuẩn bị chức cao vọng trọng, người thất cử thì chia tay giã từ chính trường và có thể sẽ "một đi hai không trở lại".
Tuy nhiên, sự kết thúc của cuộc đấu này lại là sự mở đầu của một cuộc đấu khác. Khi ngày bầu cử 3/11 vừa khép lại mà chưa có kết quả, thì các các ƯCV Tổng thống lại tiếp tục đăng đàn, tố cáo nhau từ "không tôn trọng luật chơi", "không tôn trọng luật pháp", đến "gian lận".
Rồi tiếp đó truyền thông, mạng xã hội cập nhật các tin tức trái chiều gần như liên tục 24/24h. Trong khi "Tổng thống đắc cử" (President-elect) được báo chí Mỹ tự phong "bận rộn" với việc thành lập "nội các", thì một ông Trump "cứng cổ" cũng đang bận rộn củng cố... nội các mới để chuẩn bị cho "nhiệm kỳ 2"!
2. Tùy người đọc ở "phe nào", nhưng cứ khi "vớ" được tin có lợi cho "phe mình" thì cảm thấy hoan hỉ ra mặt, cảm giác vô cùng sung sướng vì ngày Tổng thống mới "của mình" nhậm chức vào 20/1/2020 chỉ còn là vấn đề thời gian và thủ tục chỉ còn mang tính hình thức!
Nhầm to. Sự đời lại không hề đơn giản như vậy!

3. Trước hết cần khẳng định rằng, những gì chúng ta đang theo dõi trong cuộc bầu cử Mỹ hiện nay là một cuộc đấu "đỉnh cao", "đẳng cấp" giữa các chiến lược gia bậc thầy của nước Mỹ. Là người quan sát như tất cả những người khác, tôi sẽ cố gắng "đọc" và "diễn giải" sát nhất các tính toán, bước đi của hai bên trong khả năng hiểu biết của tôi.
4. Những tin như hôm nay thẩm phán này đồng ý hoặc bác bỏ việc gia hạn kiểm phiếu tại một tiểu bang "chiến trường" nào đó, hoặc các tin như có sai sót nhưng không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, rồi thông tin vài ông, bà qua đời từ thế kỷ XIX cũng có tên trong danh sách bỏ phiếu... cũng chỉ giúp chúng ta nhìn được vài trận đánh lẻ tẻ, ở một vài mặt trận cụ thể, giải quyết được sự "sung sướng" tạm thời. Thậm chí kể cả khi các Thẩm phán Tòa án Tối cáo ra phán quyết có lợi, hoặc bất lợi cho Trump cũng chưa phải là kết quả chung cuộc.
Tất cả những điều nêu trên dường như chỉ là bề nổi của màn hỏa mù, hư hư, thực thực được che đậy công phu, để người xem bị hút vào những thứ "lẻ tẻ" mà không nhìn ra bức tranh to của một cuộc chiến lớn với rất nhiều toan tính đẳng cấp.
5. Trước khi đi vào phân tích các bước tiếp theo của của 2 ƯCV Biden lẫn Trump thì cũng cần phải khẳng định rằng báo chí không phải là cơ quan có thẩm quyền ra tuyên bố hay quyết định ai là 'Tổng thống đắc cử", ai là "Tổng thống tiếp theo" của nước Mỹ, chỉ đơn giản là ít nhất những điều đó áp vào tình hình hiện nay chưa phù hợp với luật pháp, quy định hiện hành của nước Mỹ
Cơ chế ra quyết định ai là người thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 3/11 vừa qua và sẽ là Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ cũng như cơ chế bầu chọn Tổng thống được quy định khá chặt chẽ trong Hiến pháp Mỹ và các Tu chính án Hiến pháp số 12, 14, 15, 19, 20, 23, 24, 25, 26, Đạo luật kiểm phiếu đại cử tri và Luật bầu cử Tổng thống Mỹ.
6. Vậy nếu kết quả cuộc bầu cử ngày mùng 3/11 đầy tranh cãi như vậy thì khi nào nước Mỹ mới có Tổng thống mới và quy trình bầu chọn tổng thống ra sao?
Biểu đồ dưới đây cho biết các mốc thời gian theo luật định, kể từ sau ngày bầu cử 3/11/2020 năm nay cho đến ngày Tổng thống mới của Mỹ nhậm chức ngày 20/1/2021 như sau:

Bước 1 diễn ra vào ngày 3/11/2020: Người dân Mỹ đi bầu Tổng thống (thực ra thì họ đã đi bầu hoặc bỏ phiếu từ trước đó khá lâu rồi)
Bước 2 diễn ra muộn nhất vào ngày 8/12/2020: Các bang chọn các Đại cử tri (bằng xương bằng thịt), và phải đảm bảo rằng các đại cử tri được chọn này sẽ được Quốc hội Mỹ (gồm Thượng Nghị viện và hạ nghị viện) thông qua.
Bước 3 ngày 14/12/2020: Hội nghị họp để bầu chọn các Đại cử tri, diễn ra tại từng bang.
Bước 4 ngày 3/1/2021: Quốc hội khóa mới của Mỹ (gồm Thượng Nghị viện và Hạ Nghị viện) tuyên thệ nhậm chức.
Bước 5 ngày 6/1: Quốc hội Mỹ đọc và xem xét các phiếu Đại cử tri mà các tiểu bang chọn và gửi lên; chính thức xác định người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua và sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.
Bước cuối cùng diễn ra vào ngày 20/1/2021: Tổng thống mới chính thức của nước Mỹ tuyên thệ nhậm chức cho bốn năm tiếp theo 1/2021-1/2025.


Trong bất cứ điều kiện nào, tất cả các bước trên đều phải được hoàn thành theo lộ trình đã quy định để đến ngày 20/1/2022 nước Mỹ có một Tổng thống mới.
Cho đến nay mặc dù có các cáo buộc kiện cáo, nhưng tất cả mọi chuyện vẫn đang nằm trong thời biểu và lộ trình pháp lý theo quy định.
Nếu như đến ngày 20/1/2021, nước Mỹ không thể bầu chọn được một Tổng thống mới, hoặc quá trình đưa một người lên nắm quyền sau 20/1/2021 không theo đúng bất kỳ quy định nào của pháp luật hiện hành thì lúc đó nước Mỹ mới có một cuộc khủng hoảng Hiến pháp.
Các cuộc khủng hoảng hiến pháp diễn ra khi quá trình bầu và lựa chọn Tổng thống có những diễn biến vượt khỏi các quy định của luật pháp hiện hành. Trong lịch sử gần 250 năm tồn tại của mình, nước Mỹ đã từng gặp vài ba lần khủng hoảng như vậy, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng Hiến pháp sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 1800. Cuộc khủng hoảng này đã dẫn đến sự ra đời của Tu chính án Hiến pháp thứ 12.
7. Và cũng có thể khẳng định không quá lời rằng luật bầu cử của Mỹ, so với luật của các nước khác, được quy định rất chặt chẽ và rất phức tạp. Cơ chế cân bằng và kiểm soát được thiết kế và "cài" vào trong tất cả các quy trình thủ tục từ ở các "Hạt" (County), "Khu vực bầu cử" (Districts), đến "Tiểu bang" và "Liên bang". Một ƯCV, một đảng có thể thắng ở một quá trình này, nhưng lại thua ở một quá trình khác là chuyện bình thường. Tất cả chỉ để tạo khó khăn, trở ngại gần như như không thể vượt qua đối với cá nhân, đảng phái nào có ý định "thu vén" quyền lực về tay mình.
Để tìm được các "khe hở" của luật pháp, hoặc sự "vênh nhau" giữa các quy định hiện hành, vận dụng chúng theo hướng lợi cho mình hoặc thân chủ của mình... thì chỉ có những cố vấn sừng sỏ và các luật sư gạo cội mới làm được.
Đây là cách phe Trump đang hướng đến và dường như, xin nhắc lại là dường như thôi nhé, đã tìm ra "kẽ hở" đó để dắt "con voi" (biểu tượng của đảng Cộng Hòa) chui qua lỗ kim thẳng tiến đến Nhà Trắng vào ngày 20/1/2021.

 
Nước Mỹ luôn có đất dụng võ cho những nhân vật có đầu óc và năng lực khác người, có tầm nhìn chiến lược, có tài tổ chức như vậy. Những người này là các chiến binh thực sự và "đầu hàng", hay "bó tay" không bao giờ có trong bộ óc thông thái của họ nếu như họ còn tìm thấy một lối thoát, dù vô cùng chật hẹp.
Và một khi họ lật ngược lại thế cờ qua các cánh cửa chật hẹp đó bằng tất cả các công cụ vụ pháp lý và quy định hiện hành thì những người có quyền và lợi ích liên quan buộc phải chấp nhận kết quả chung cuộc. Không có cách nào khác vì các quy định luật pháp, có thể không hoàn hảo, nhưng lại áp dụng được trong các trường hợp như vậy.
8. Trước khi nói tiếp cuộc đấu trong giai đoạn tiếp theo của Biden và Trump, xin kể một câu chuyện pháp đình liên quan đến vụ xét xử cựu ngôi sao bóng bầu dục người da đen Mỹ OJ Simpson. Qua thông tin về cách mà các chiến lược gia và nhóm luật sư gạo cội của OJ Simpson vận dụng luật pháp và các quy định hiện hành trong vụ kiện này, sẽ giúp chúng ta phần nào hiểu rõ hơn về cách thức vận hành của xã hội Mỹ, nơi chúng ta đang bàn luận về về kết quả bầu cử Tổng thống ngày 3/11 vừa qua.

Vụ xét xử OJ Simpson thực sự là một "vụ án thế kỷ" ở Mỹ cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vụ việc được truyền hình trực tiếp tới cả chục triệu người Mỹ theo dõi thường xuyên trong suốt quá trình xét xử, kèm theo các bình luận của những luật gia nổi tiếng về các vụ án hình sự
9. Tóm tắt vụ việc: Ngày 13/6/1994, hai xác chết bị sát hại với nhiều vết đâm là vợ cũ của OJ Simpson tên là Nicole Brown Simpson và người bạn trai Ron Goldman (cả hai là da trắng) được phát hiện ở bên ngoài khu căn hộ của họ tại Brentwood, ngoại ô thành phố Los Angeles.
OJ Simpson bị coi là nghi can số 1 vì không xuất hiện tại tòa theo thời gian đã thỏa thuận, rồi còn phóng xe chạy trốn khi bị cảnh sát phạt. Riêng video về cuộc trốn chạy trên cao tốc của OJ Simpson được 95 triệu người Mỹ theo dõi từ máy quay đặt trên trực thăng của truyền hình. Để so sánh, trong hai cuộc tranh luận giữa các ƯCV Tổng thống của Cộng hòa và Dân chủ trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua "chỉ" thu hút chưa đầy 75 triệu người theo dõi mỗi cuộc.
Tại hiện trường của vụ án, cảnh sát và các điều tra viên đã tìm thấy giày và găng tay dính đầy máu, có dấu vân tay và DNA của OJ Simpson. Phiên tòa kéo dài gần 1 năm từ 9/11/1994 đến 3/10/1995 mới kết thúc.
Các chứng cứ phạm tội của OJ Simpson là "rành rành", được các hãng truyền hình soi xét kỹ lưỡng cho hàng chục triệu người theo dõi, được truyền thông cập nhật và bình luận liên tục.
Các cuộc thăm dò dư luận vào lúc đó không hề có lợi cho Simpson vì hầu hết người da trắng và da đen điều tin rằng OJ Simpson phạm tội giết người và gần như chắc chắn 100% OJ Simpson sẽ bị kết án về tội danh này.
Thăm dò dư luận của người Mỹ vào lúc đó cho biết: 73% người Mỹ da trắng tin rằng Simpson phạm tội giết người, 18% không chắc chắn. 44% người da đen tin rằng OJ Simpson phạm tội, còn 22% tin rằng anh ta vô tội. 67% người gốc Mỹ La-tinh cũng tin rằng OJ Simpson phạm tội.
"Vui nhất" là báo chí Mỹ khi đó cũng tự mình "nhảy ra" đóng vai trò "quan tòa" và liên tục "kết tội" OJ Simpson từ trước và trong suốt quá trình xét xử.

Nhưng cuộc đời nào có chữ ngờ. Ngày 3/10/1995, trước sự ngỡ ngàng của toàn nước Mỹ, toàn bộ bồi thẩm đoàn (Jury) trong vụ xét xử này tuyên bố OJ Simpson, người "đáng" bị kết án về tội giết người cấp độ 1, là vô tội! Đây không chỉ là quả bom, mà là quả bom nguyên tử nổ giữa lòng nước Mỹ.
Điều này cho thấy dư luận hay báo chí "kết án" là việc của họ. Còn quyết định của tòa là quyết định độc lập.
Tại sao lại có chuyện đó? Ở đây không bàn đến các phạm trù đạo đức, phi đạo đức, xấu hay tốt, mà chỉ nói đến khía cạnh luật pháp đơn thuần. Việc OJ Simpson, là ngôi sao bóng bầu dục nổi tiếng và giàu có, lội được ngược dòng qua con đường pháp lý là do đã tìm được cho mình một dàn cố vấn và luật sư lừng danh, được gọi là "Đội tuyển giấc mơ" (Dream Team) với các luật sư lừng danh nhất nước Mỹ thời đó như Robert Shapiro, Johnnie Cochran, Lee Bailey, Alan Dershowitz, Shawn Holly... Đặc biệt trong nhóm có 2 luật sư hàng đầu nước Mỹ chuyên về DNA là Barry Scheck và Peter Neufeld.
Những người này quả thực đã có một quá trình nghiên cứu công phu, một chiến lược hoàn hảo, mà luật pháp chỉ là một khía cạnh ở trong đó, để "giải cứu" thành công OJ Simpson.
10. Vậy họ đã làm gì và làm thế nào?
(i) Về bối cảnh vụ án: Trước hết, xin bàn về bối cảnh quan hệ sắc tộc ở nước Mỹ nói chung và Los Angeles nói riêng vào thời điểm xét xử vụ án năm 1994.
Do nguyên nhân lịch sử, cộng với hàng loạt yếu tố khách quan và chủ quan, quan hệ sắc tộc luôn là một vấn đề lớn và nhạy cảm ở nước Mỹ. Công bằng mà nói, mối quan hệ sắc tộc giữa người Mỹ da trắng và người Mỹ gốc Phi đã có sự cải thiện rất nhiều và cải thiện liên tục từ sau thắng lợi của phong trào bình quyền do lãnh tụ người da đen Martin Luther King khởi xướng từ những năm 1960.
Tuy nhiên, ở nhiều khu vực, kể cả cho đến nay vẫn vậy,, người da đen bị phân biệt đối xử khá tệ hại. Đầu những năm 1990, Los Angeles là điển hình của sự tồi tệ về việc người da trắng đối xử với người da đen trên toàn nước Mỹ.
Giữa năm 1992, một vụ bạo động kinh hoàng kéo dài trong 6 ngày nổ ra khắp Los Angeles khi một tòa án địa phương quyết định tuyên vô tội và tha bổng 4 cảnh sát da trắng dùng dùi cui đánh đập dã man một người lái xe gốc Phi trên đường cao tốc Los Angeles mặc dù có video ghi lại chi tiết vụ việc. Trong 6 ngày bạo động, có tổng cộng 63 người chết, gần 3000 người bị thương cộng với các thiệt hại vật chất vô cùng lớn.

Vụ xét xử OJ Simpson, một ngôi sao thể thao, một biểu tượng thành công của người Mỹ gốc Phi, giết hai mạng người da trắng xảy ra trong chính bối cảnh các ám ảnh về vụ bạo động 1992 chưa nguôi ngoai và và quan hệ sắc tộc ở thành phố này được cải thiện rất ít.
(ii) Nơi xét xử vụ án là Downtown Los Angeles: Đây là một điểm vô cùng quan trọng, quyết định đến phán quyết cuối cùng của vụ án. Lúc bấy giờ truyền thông và dư luận Mỹ không để ý nhiều, nhưng sau này nhìn lại họ mới phát hiện ra điều này.
Nơi xét xử là Trung tâm Los Angeles (Downtown Los Angeles), chứ không phải là ở quận ngoại ô Santa Clara (nơi có nhiều người da trắng sinh sống) như kế hoạch ban đầu, vì các luật sư của "thân chủ" OJ Simpson viện dẫn mối lo ngại vì lí do an ninh.
Downtown Los Angeles khi đó là nơi phần đông người lao động da đen, có trình độ học vấn, và thu nhập thấp sinh sống. Những người này luôn là nạn nhân thường xuyên của nạn phân biệt sắc tộc. Việc chọn Downtown Los Angeles cũng ảnh hưởng đến thành phần của bồi thẩm đoàn (Jury) được lựa chọn sau đó mà hầu hết là người da đen. Những người này dễ bị thuyết phục khi bị "đánh" vào tình cảm hơn là lý trí.
Trường hợp ngược lại, nếu Santa Clara được chọn thì thành phần bồi thẩm đoàn lại có xu hướng người da trắng chiếm đa số. Đây là những người có bằng cấp cao hơn, tin vào các bằng chứng khoa học như các chứng cứ DNA. Nếu vụ án được xét xử ở đây thì với các chứng cứ khoa học tương đối rõ ràng, cộng với thái độ định kiến sẵn có của người da trắng, nhiều khả năng phán quyết của bồi Thẩm đoàn sẽ không có lợi cho OJ Simpson.
(iii) Chiến lược pháp lý: "Bỏ bóng đá người"
Đây là chiến lược hết sức táo bạo của Nhóm luật sư OJ Simpson. Một mặt, các luật sư về DNA là Barry Scheck và Peter Neufeld tìm cách thuyết phục bồi thẩm đoàn về khả năng sai sót và sự thiếu tin cậy khi kết án dựa trên các bằng chứng DNA để kết án vì việc dùng DNA làm bằng chứng kết án còn tương đối mới ở nước Mỹ thời điểm đó.
Mặt khác, nhóm luật sư còn lại thay vì "soi" các bằng chứng kết tội mà họ biết có rất ít lý do để phản bác, thì họ lại tìm cách "đào bới" tất cả các thông tin cá nhân, các phát biểu mang tính kỳ thị người da đen của chính các cảnh sát và điều tra viên da trắng - những người thu thập các bằng chứng của OJ Simpson trong vụ án này.

Nổi bật nhất là nhóm các luật sư đã tìm được video ô của một cảnh sát da trắng trong nhóm điều tra, đã tuyên bố từ trước đó rất lâu rằng "sẽ tìm cách tống tất cả những người da đen vào tù". Trên cơ sở đó, nhóm luật sư này cho rằng với những động cơ "đen tối" như vậy, nên không cần phải xem xét các bằng chứng kết án OJ Simpson vì chúng hoàn toàn có thể được ngụy tạo.
Và kết quả là như mọi người đã rõ, OJ Simpson được Bồi thẩm đoàn tuyên vô tội. Sự "ồn ào" của truyền thông trước đó dường như có tác dụng ngược vì nó được nhóm luật sư của OJ Simpson liệt kê vào trong một âm mưu rộng lớn hơn của người da trắng, tìm cách "hãm hại" và làm "mất thanh danh" của một người da đen Mỹ thành đạt một cách có chủ đích.
Nói vậy để thấy, trong các vụ việc lớn thì các luật sư, các chiến lược gia có vai trò tối quan trọng trong việc vạch ra các đường đi, nước bước hợp lý để đảo ngược thế cờ. Mà quan trọng nhất ở đây là các việc làm của họ được thực hiện trong khuôn khổ pháp lý hiện hành, và được tất cả các bên chấp nhận, dù có thể không hài lòng với kết quả chung cuộc.
Cuộc bầu cử 3/11 và cuộc chiến sau đó, không nghi ngờ gì nữa, là một cuộc chơi lớn, có rất nhiều mất còn, đòi hỏi "người chơi" không chỉ "lỳ đòn", mà phải có một "dàn" chiến lược gia lão luyện, với "võ công" thâm hậu hơn rất nhiều so nhóm tham gia vụ án OJ Simpson. Nhiệm vụ của họ là tìm ra tất cả con đường hợp pháp, hợp hiến, "dắt tay" thân chủ của mình qua không chỉ một, mà rất nhiều khe cửa hẹp đến chiến thắng cuối cùng.
(Còn tiếp)

_____________________________________________

Tác giả: Hoàng Anh Tuấn

- Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, Tổng thư ký ASEAN