Chuyện đồng áng, thông thường mỗi người dân quê mình nhiều lắm cũng chỉ có vài ba sào đất, mỗi sào 500m2, ruộng nhỏ, bờ nhiều, canh tác khó khăn, năng suất không cao nên người nông dân lấy công làm lời là chính, mọi việc từ lớn tới bé là tự làm, phân tự ủ, giống tự ươm, nước tự tưới… nói chung là từ A-Z. Vì vậy mà cũng không quen lắm việc thuê mướn, liên kết, cơ giới hoá… Từ đó, văn hoá hợp tác trong kinh doanh cũng thừa hưởng khá nhiều thói quen này.

Trong nền văn minh lúa nước nói chung, thói quen làm việc nhóm, hợp tác… chắc chắn có nhiều vấn đề kiểu “biết rồi nói mãi”: khi con người ta còn vì cái riêng nhiều hơn, cảm giác khó chấp nhận gò bó vì phải tuân thủ hay làm thoả mãn một ai đó, lòng tham tiền tài, quyền lực rất khó kiểm soát của người đại diện tập thể, chưa kể những hoài bão làm chủ nhưng là chủ của những cái “lớn li ti”… Vì tất cả lẽ đó mà người mình rất khó để “gom nhiều cái nhỏ thành cái lớn”, tâm lý làm chủ một cái gì đó vừa phải với mình, có thu nhập, được tự do… vẫn được ưu tiên hơn.

Riêng với Sài Gòn, lịch sử vỏn vẹn chỉ hơn 300 năm, nhưng điểm đặc biệt dễ thấy nhất ở Sài Gòn chính là người nhập cư từ thập phương đổ về… điều này đã tạo ra một nền văn hoá du mục, rất ít người bản xứ. Người du mục có thiên hướng khám phá, ít chấp nhận cái cũ, chịu khó khai đường mở lối, nương tựa vào nhau, tôn trọng sự khác biệt cá nhân… Thế nên nơi nào tập trung nhiều người du mục thì nơi đó sẽ phát triển: nhỏ thì có khu kinh tế, khu dân cư mới… trong nước thì có Vũng Tàu, Đà Lạt, Daklak, Sài Gòn… Đông Nam Á thì có Singapore, thế giới thì điển hình nhất là nước Mỹ. Mặc khác, Sài Gòn có thị trường rộng mở, hội nhập quốc tế sâu, tầng lớp trí thức, tinh hoa tập trung nhiều, quy mô kinh doanh ngày càng lớn, thị trường phức tạp, cạnh tranh gay gắt… doanh nghiệp không lớn nghĩa là chết chứ không có cơ hội để sống kiểu cầm chừng. Từ đó mà xu hướng hợp tác, sát nhập doanh nghiệp, liên doanh liên kết cũng trở nên phổ biến hơn.

Ngược lại, ở các tỉnh lẻ nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, cư dân bản địa chiếm đa số, thị trường bé, cạnh tranh nhỏ lẻ, tốc độ đổi mới, phát triển chậm, những thói quen, tập quán cũ vẫn còn đó… dẫn đến văn hoá làm ăn cũng còn đậm nét xưa cũ. Khi về quê, thường các bạn có sẵn chỗ ăn chỗ ở, thậm chí nhiều bạn đã có sẵn mặt bằng, cơ sở kinh doanh của gia đình, thêm vào đó, chi phí thuê mướn, sử dụng dịch vụ ở quê cũng rẻ… Chính vì tổng thể chi phí thấp này nên các bạn rất dễ bắt đầu, dễ cầm cố, cộng với tệp khách hàng thân quen sẵn có… nên hệ luỵ là các bạn khởi sự rất nhanh, và thay vì gộp, hợp tác, thì thị trường, khách hàng lại bị băm nhỏ, doanh thu thấp, thu hồi vốn lâu, tái đầu tư chậm…

Về Quảng Ngãi, các bạn rất dễ nhận ra đặc điểm này, nhân viên bán cafe được 1-2 năm sẽ ra mở quán cafe, tương tự nhân viên điện nước, điện lạnh, thợ mộc, thợ hồ, thợ sửa xe máy… gần như phổ biến ở hầu hết các ngành nghề: xây dựng, du lịch, nông sản, nội thất… ai cũng xu hướng có “cửa tiệm” của riêng mình. Thay vì gộp cái nhỏ thành cái lớn, thì việc chia cái lớn thành nhiều cái nhỏ, rất phổ biến.
Năm 2016, mình khai sinh ra mô hình hồ bơi lắp ráp, suất đầu tư thấp, đơn giản dễ làm, sinh lợi tốt, bán khắp cả nước… Dù mình đã tính toán, chạy mô hình, chia sẻ cổ phần… nhưng đến cuối năm 2017, mình có bao nhiêu nhân viên là sinh ra chừng ấy doanh nghiệp làm hồ bơi lắp ráp… Những gì mình có thể nghĩ ra được là các bạn làm ngay cái đó, bạn nào cũng kinh doanh lắp đặt hồ bơi, cung cấp hoá chất, xử lý nước… còn mình thì đứng hình, chỉ biết lặng nhìn rồi quyết định nghỉ luôn. Ngay cả những người bạn của mình cũng không thể tránh khỏi “bẫy li ti” này, thay vì đầu tư cùng để làm cái lớn thì vẫn ưu tiên làm một cái tương tự, rồi thành đối thủ cạnh tranh, chia nhỏ thị trường. Đến nay, đã 4 năm trôi qua, nhìn lại thì không có bạn nào đi được tới nơi tới chốn, kiếm đủ tiền để nuôi thân đã là khó lắm rồi.


Về mặt sinh học, yếu tố môi trường có tác động rất lớn đến việc hình thành cấu trúc bộ gen của từng sinh vật trong nó, sẽ rất khó để thay đổi. Vì vậy, bạn cần hiểu văn hoá địa phương, thay đổi mình và thích nghi để tồn tại trước khi bắt đầu hành trình phát triển, tác động ngược lại môi trường. Phát hiện ra nguyên lý này, mình bắt đầu nghiêm túc hơn với những mô hình kinh doanh có độ khó cao, khó về kỹ thuật, về cách thức tổ chức, triển khai… nghĩa là càng khó sao chép, khó làm càng tốt, ưu tiên sản phẩm có thể bán được ra ngoài tỉnh, dễ cải tiến và cải tiến nhanh. Đừng giống như hồ bơi lắp ráp, dù có sáng tạo, hay ho, độc đáo tới đâu… nhưng dễ thấy, dễ học, dễ làm… là kiểu gì cũng rộ lên như nấm sau mưa, xong rồi chẳng có ai đi được về đâu.

Một giải pháp nữa là thay vì các bạn phải gom thành một công ty rồi tan đàn xẻ nghé sau đó, xử lý hậu chia tay cũng rất tổn thất, mắc lòng… Nếu muốn làm lớn, các bạn có thể chọn mô hình liên kết: ví dụ các bạn tìm kiếm đủ đối tác phù hợp rồi thì tổ chức nhận chung một dự án, sau đó chia ra việc ai nấy làm, thiết kế, xây dựng, ME, nội thất… có như vậy thì các bạn sẽ tạo được một group khép kín hơn, tận dụng được các thế mạnh của nhau, giảm chi phí, tạo lợi thế cạnh tranh, khó sao chép, bắt chước… mà vẫn đảm bảo được tâm lý thích tự do, tự chủ của mỗi thành viên. Mình thấy khá nhiều bạn đang làm như vậy và đang có những bước đầu thành công.

Tuổi thơ tôi có bao tiếng mẹ ru,
Mẹ hát câu hò tình, tang Ba lý,
Vọng bến Tam Thương ánh trăng tri kỷ, Thiên Bút vờn mây trăng nước tìm người.

Tuấn Trần - Tác giả sách Về quê lập nghiệp