Vậy là ba tuần đã trôi qua mà chưa có kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ giữa hai ứng cử viên là cựu PTT Joe Biden và đương kim TT Donald Trump ngày 3/11 vừa qua. Ngày mai 23/11, nước Mỹ và thế giới sẽ bước vào tuần thứ tư mà chưa biết ai sẽ làm Tổng thống tiếp theo của siêu cường số 1 thế giới.
Nên quan sát tiếp cuộc bầu cử trong tuần này và sau đó như thế nào?
1. Như đã nói trong nhiều status trước, ƯCV Biden đang có rất nhiều lợi thế so với ƯCV Trump. Nhưng “cửa” vào Nhà Trắng cho ông Trump vẫn chưa khép lại. Đây là những gì chúng ta đã thấy trong 3 tuần qua và nhiều khả năng trong tuần thứ 4 tình hình cũng chưa có dấu hiệu khả quan hơn.
2. Trong tuần qua, chúng ta chứng kiến một số phán quyết của các cấp chính quyền hoặc tòa án địa phương. Cả hai bên nhận được một số “thắng lợi”, nhưng cũng có một số “thất bại”. Tất nhiên, “thắng lợi” hay “thất bại” cũng chỉ có ý nghĩa tạm thời ở một vài thời điểm nhất định, vì vẫn còn nhiều nấc thang thủ tục và trình tự pháp lý cho cả hai ƯCV Tổng thống “chiến” tiếp.
Cửa khiếu nại ở “nấc” này khép lại thì cũng đồng nghĩa với việc các cánh cửa pháp lý ở nấc cao hơn lại được mở ra.
3. Giả sử rằng, ông Biden “thắng” thực sự ông Trump và trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, thì ông Biden có làm được những gì như ông và Đảng DC nêu trong cương lĩnh tranh cử của mình hay không? Câu trả lời là chưa chắc, vì một số lý do:
Một là, đã thành thông lệ, bất cứ ai khi trở thành Tổng thống và ngồi vào ghế nóng này, bất kể là Tổng thống Cộng Hòa hay Tổng thống Dân chủ, thì ngay lập tức ông/bà ta sẽ trở thành đối tượng săm soi của dư luận và báo chí và ông Biden không phải là ngoại lệ.
Chắc chắn tuần trăng mật sẽ không kéo dài lâu, chỉ cùng lắm là một tháng sau khi nhậm chức. Sau đó, những gì mọi người thấy Tổng thống Donald Trump đang phải trải qua hiện nay sẽ là “bản sao” của những gì mà ê-kíp Biden-Harris sẽ phải đối mặt trong suốt nhiệm kỳ 4 năm tới của mình.
Hai là, về mặt nội trị, quyền lực của Tổng thống Mỹ khá yếu do cơ chế tam quyền phân lập, các cơ chế cân bằng và kiểm soát từ liên bang xuống đến tiểu bang.
Nhìn sự bất tuân các Quyết định hành pháp (Executive Orders) của TT Trump của nhiều Thống đốc bang DC trước sự “bất lực” của Tổng thống thì chúng ta thấy rõ hơn điều này.
Chẳng hạn, trong việc chống Covid-19 vừa rồi, TT Mỹ cũng không có nhiều dư địa hoạt động. Nếu đóng cửa “sớm” nước Mỹ thì Trump bị tố cáo là không dựa trên “thực tế” và các khuyến cáo “khoa học”, thậm chí còn bị “cảnh cáo” là có ý định “lợi dụng” đại dịch để tập trung quyền lực và trở thành Tổng thống “độc tài”. Còn ban hành Quyết định hành pháp buộc người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang chẳng hạn thì không thể được vì cái này thuộc thẩm quyền quyết định của các Thống đốc Bang, tương tự như lãnh đạo của các quốc gia nhỏ trong quốc gia lớn là hợp chủng Quốc Hoa Kỳ.
Nếu như chống dịch Covid-19 thắng lợi thì “công đầu” thuộc về các Thống đốc bang, còn thất bại là do… Trump!
Ba là, lịch sử chính trị Mỹ trong 28 năm qua từ thời Tổng thống Clinton 1/1993, qua các đời Tổng thống Bush, Obama và nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump từ 1/2017 cho thấy khi người dân bầu một Tổng thống mới thì họ cũng “cho” Tổng thống mới một Quốc hội trong đó Đảng của Tổng thống mới chiếm đa số tại Thượng viện và Hạ viện, ít nhất là trong nửa nhiệm kỳ đầu. Cái này là để Tổng thống mới có quyền hành tuyệt đối trong hai năm đầu để thực hiện các chương trình nghị sự của mình.
Tuy nhiên, trường hợp của “Tổng thống” Biden thì lại không có “thắng lợi” hoành tráng như vậy.
Ở Thượng viện, hiện nay hai đảng CH và DC kiểm soát theo tỉ lệ là 50/48 (trên tổng số 100 ghế). Hai ghế của tiểu bang Georgia sẽ được bầu cử bổ sung vào ngày 5/1/2021. Giả dụ CH có thua cả hai ghế TNS ở tiểu bang Georgia (mà khả năng này là khá thấp) thì ngay ở tỉ lệ đó thôi, khả năng thông qua các chương trình nghị sự lớn của “Tổng thống” Biden tại Thượng viện cũng khá khó khăn vì Đảng DC không còn là một khối thống nhất như trước và hiện đang tồn tại khá nhiều xu hướng chính trị nội bộ khác nhau, và đấu tranh quyết liệt với nhau trong Đảng DC.
Tại Hạ viện, dù Đảng DC đang chiếm đa số so với Đảng CH, hiện là 222/208, trong tổng số 435 ghế (218 ghế chiếm đa số) do 5 khu vực bỏ phiếu vẫn chưa kiểm phiếu xong. Đa số này là đa số “mỏng” nhất tại Hạ viện của một đảng chính trị Mỹ trong gần 30 năm qua kể từ thời Tổng thống Clinton 1/1993 đến nay.
Bốn là, với một quốc hội như vậy thì theo thông lệ, các Tổng thống khi nắm quyền thường được coi là Tổng thống “vịt què” vì gần như không có khả năng thực hiện bất cứ chính sách mang tính đột phá nào trong nửa nhiệm kỳ đầu của mình vì thiếu sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhánh lập pháp.
Do khó đi qua cửa “lập pháp” nên “Tổng thống” Biden nhiều khả năng sử dụng tối đa đòn bẩy là các Quyết định hành pháp để “lách” và “tránh” phải đi qua Quốc hội.
Tuy nhiên, Quyết định hành pháp lại có hiệu lực rất yếu so với luật. Chưa kể nếu sử dụng các Quyết định hành pháp “quá đà” thì các Quyết định này và “Chính quyền Biden” có thể là đối tượng bị kiện lên Tòa án tối cao liên bang, mà hiện nay cán cân đang nghiêng về phía các Thẩm phán bảo thủ với tỷ lệ 6-3 (6 Thẩm phán do các Tổng thống Cộng hòa bổ nhiệm, còn 3 Thẩm phán do các Tổng thống dân chủ bổ nhiệm).
_______________________________________
Tác giả: Hoàng Anh Tuấn
– Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, Phó Tổng thư ký ASEAN
Series bài cùng tác giả: