Cuộc phỏng vấn gần đây với Meghan Markle và Hoàng tử Harry được phát sóng trên đài CBS một lần nữa đã làm nổi bật kỹ năng phỏng vấn tuyệt vời của Oprah khi dẫn dắt để cặp đôi sẵn sàng trò chuyện về những chủ đề nhạy cảm cũng như cuộc sống của họ tại hoàng gia Anh trước đây.

Là một nhà tâm lý học, cũng là người dẫn chương trình của The Verywell Mind Podcast, Amy Morin hiểu rõ những câu hỏi được đặt ra, cũng như cách chúng được hỏi, sẽ quyết định mức độ cởi mở của người đối diện. Nói cách khác, khi những người được phỏng vấn cảm thấy thoải mái trong quá trình giao tiếp, họ sẽ mạnh dạn chia sẻ nhiều hơn.

Theo Morin, kỹ năng phỏng vấn của Oprah đã được chứng thực qua thời gian khi đạt được sự cân bằng tuyệt vời giữa việc giúp khách mời có cảm giác như đang trong một cuộc trò chuyện thân mật, trong khi khán giả lại cảm thấy mình là một phần của cuộc phỏng vấn.

Cuộc phỏng vấn gần đây với Meghan Markle và Hoàng tử Harry một lần nữa đã làm nổi bật kỹ năng phỏng vấn tuyệt vời của Oprah khi dẫn dắt để cặp đôi sẵn sàng trò chuyện về những chủ đề nhạy cảm cũng như cuộc sống của họ tại hoàng gia Anh trước đây.

Nhà tâm lý học Morin đưa ra 7 lý do cho thấy Oprah đặc biệt giỏi trong việc đưa ra những câu hỏi và nhận về câu trả lời thẳng thắn, trung thực

1. Thoải mái với sự im lặng

Sự im lặng thường gây khó chịu cho cả người phỏng vấn và người được phỏng vấn. Trong khi nhiều người phỏng vấn cố chạy đua để lấp đầy bất kỳ khoảng lặng nào kéo dài hơn một hoặc hai giây, thì ngược lại, Oprah lại kiên nhẫn chờ đợi.

Nữ hoàng truyền hình biết rằng chính khách mời của mình cũng cảm thấy khó xử và bà để họ tự lấp đầy khoảng lặng đó.

Việc tạm dừng thường là dấu hiệu cho thấy khách đang do dự chia sẻ thêm thông tin. Và thực tế, khi khoảng lặng khó xử này xuất hiện, hầu hết khách mời sẽ háo hức lấp đầy nó - ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ tiết lộ phần còn lại của câu chuyện mà họ do dự khi kể.

Điều này rất quan trọng, bởi nó có nghĩa là khách mời thường sẽ tiếp tục chia sẻ những chi tiết khó nói hơn trong câu chuyện của mình hoặc những cảm xúc ban đầu trước sự việc nào đó mà họ đang trải qua.

60469c5d2db4af00117e42c8-8453-1615516698

Oprah Winfrey trong buổi phỏng vấn Meghan Markle và Hoàng tử Harry. Ảnh: Getty Images

2. Trực tiếp và thẳng thắn

Một số người phỏng vấn thường dùng những lời lẽ hoa mỹ để che đậy những câu hỏi gây khó chịu. Những người khác có vẻ áy náy khi hỏi về những chủ đề nhạy cảm. Và một số có vẻ thích thú khi sử dụng những câu hỏi có phần kịch liệt để gia tăng sự căng thẳng.

Oprah không như vậy. Bà đưa ra những câu hỏi tử tế nhưng thẳng thắn. Cách đặt câu hỏi như vậy giúp mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi trả lời.

Suy cho cùng, nếu chính bản thân bạn thấy áy náy và có vẻ không thoải mái khi đặt câu hỏi, thì người đối diện cũng có thể nghĩ rằng họ nên thấy khó xử khi đưa ra câu trả lời.

3. Lắng nghe có phản hồi

Mọi người thường cởi mở hơn khi biết rằng người đối diện đang thực sự lắng nghe những gì họ nói. Tuy nhiên, lắng nghe không có nghĩa là chờ đợi một cách thụ động. Nó còn phải bao gồm việc phản ứng lại những gì bạn nghe được để cho thấy rằng bạn đang cố gắng thực sự hiểu vấn đề .

Khi ai đó chia sẻ một câu chuyện và sau đó kết thúc bằng một câu nói như: “Là một đứa trẻ, thật khó để đối mặt với chuyện đó", Oprah thường trả lời bằng cách lặp lại vài từ cuối cùng. Ví dụ, câu nói "Điều đó nghe có vẻ khó khăn đối với bạn khi còn là một đứa trẻ ..." sẽ mở ra cánh cửa để họ tiếp tục câu chuyện.

4. Luôn có những câu hỏi phát sinh

Những cuộc trò chuyện của Oprah luôn rất tự nhiên. Nó không đơn giản chỉ là cuộc trao đổi với những câu hỏi được viết sẵn từ trước.

Oprah thường hỏi thêm những câu hỏi liên quan tới câu trả lời mà khách mời vừa đưa ra, nhằm tìm kiếm thêm thông tin có liên quan tới câu chuyện họ vừa kể. Bà luôn cho thấy rằng mình thực sự quan tâm đến việc tìm hiểu sâu hơn về sự khôn ngoan và kinh nghiệm của mỗi khách mời.

5. Không biết tất cả các câu trả lời

Một số người phỏng vấn khẳng định họ chỉ hỏi những câu mà họ đã biết câu trả lời để không bao giờ ngạc nhiên hoặc mất cảnh giác. Đó chắc chắn không phải là cách tiếp cận của Oprah.

Thực tế, Oprah luôn tìm hiểu kỹ về khách mời của mình trước mỗi buổi phỏng vấn. Những thông tin đó sẽ định hướng cho câu hỏi mà bà đưa ra. Tuy nhiên, bà cũng thường xuyên đặt ra những câu hỏi mà mọi người chưa từng được hỏi trước đây và luôn thể hiện phản ứng của mình một cách chân thực trước những câu trả lời mình nhận được.

6. Động tác nghiêng người

Oprah luôn trông rất thư thái trong khi chờ khách mời trả lời câu hỏi của mình. Điều này giúp những người được phỏng vấn không cảm thấy vội vàng khi trả lời các câu hỏi.

Bà cũng thường xuyên có động tác nghiêng người vào đúng thời điểm. Việc nghiêng người về phía khách mời khi họ đang chia sẻ cảm xúc ban đầu sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng rằng bà đang ở bên họ và muốn họ tiếp tục. Mọi người sẽ cảm thấy an toàn khi biết họ đang được lắng nghe.

7. Cuộc trò chuyện chân thực

Những cuộc trò chuyện giữa Oprah và các khách mời của mình luôn chân thực. Các khách mời cảm thấy như thể Oprah thực sự muốn học hỏi từ họ, còn khán giả thì cảm thấy như đang xem hai người trò chuyện thực sự - chứ không phải là một chuyên gia đang thẩm vấn ai đó về câu chuyện của họ.

Sự chân thực đó là lời giải thích cho câu hỏi tại sao những nội dung từ các cuộc phỏng vấn của Oprah lại là một nguồn tin đáng tin cậy. Bên cạnh đó, ngôn ngữ cơ thể và nét mặt của bà cũng rất khớp với nội dung, ngôn từ mà bà đang nói.

Theo Businessinsider/NDH