Bạn đã bao giờ trải qua một đợt phỏng vấn online trong mùa dịch Covid-19 chưa? Bạn đã rút ra được kinh nghiệm hay bí quyết gì từ đó? Hãy tham khảo 10 tips phỏng vấn cực kỳ hiệu quả dưới đây nhé!

Tips bên dưới sẽ cho bạn thêm một chút kinh nghiệm để:
• Trước phỏng vấn: Các điểm cần chuẩn bị
• Trong phỏng vấn: Tạo ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng & thể hiện được các điểm mạnh bản thân
• Sau phỏng vấn: Cách followup

TRƯỚC PHỎNG VẤN:

1. Tìm hiểu thông tin công ty:
Luôn tìm hiểu trước công ty và nhà tuyển dụng, bạn cần đọc trước sơ lược lịch sử công ty, sản phẩm hiện tại công ty đang phát triển, các bài viết về công ty, hoặc thông qua các nhân sự nào đang công tác tại công ty. Chuẩn bị trước dù ít hay nhiều, luôn chiếm được cảm tình của nhà tuyển dụng.
2. Chuẩn bị thiết bị:
Hãy chuẩn bị trước các điểm sau để có buổi nói chuyện vừa chuyên nghiệp vừa suôn sẻ:
a. Laptop/ Phone: hãy test trước là thiết bị của bạn có camera rõ ràng và âm thanh chuẩn
b. Wifi: test trước wifi, chọn nơi có wifi mạnh
c. Không gian: tốt nhất là hãy chọn một phòng vừa nhỏ, dựa vào background trơn gọn gàng. Đừng dùng phòng ngủ hay một nơi có background lộn xộn, điều đó sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh gía bạn là người không có tác phong tốt (mọi chi tiết nhỏ đều sẽ được lưu ý). Để ý luôn là phòng của bạn đừng quá to vì sẽ có âm dội ngược lại. Và tất nhiên, bạn nên ở một mình và ở một nơi yên tĩnh.
d. Trang phục: tuỳ theo loại công ty bạn có thể chọn trang phục tuỳ thích. Lựa chọn an toàn nhất luôn là áo sơ mi hoặc t-shirt trơn một màu trung tính (đen, trắng, xám)

TRONG PHỎNG VẤN:

Hãy lưu ý các điểm dưới đây sẽ không cho bạn list câu hỏi hay câu trả lời chính xác. Điều mình đang chia sẻ là những vũ khí bí mật giành được sự ấn tượng với nhà tuyển dụng (nó là Framework):
3. Chào hỏi và giao tiếp đầy năng lượng:
Năng lượng tích cực là điều mê hoặc. Hãy tập chào hỏi, cười, và thậm chí cho một câu nói đùa. “Ngày hôm nay của anh chị thế nào? Hôm nay là ngày thứ 16 năm Corona thứ nhất rồi đấy!” /// “Em rất là vui khi được phỏng vấn với anh chị trong một năm lịch sử như thế này!!!”
Hãy luôn cố gắng dùng ngôn ngữ cơ thể để thể hiện rằng bạn đang lắng nghe chăm chú, nghiêng đầu một chút, mắt luôn nhìn thẳng vào camera như thể người rất quan trọng đang ngồi đối diện bạn (dù hình ảnh của bạn chỉ đang được truyền qua màn ảnh).
Hãy trả lời câu hỏi dõng dạc, nói to không bao giờ thừa, đặc biệt khi phải phỏng vấn online vì giọng nói có thể được truyền sang không rõ ràng. Bạn thậm chí có thể hỏi nhà tuyển dụng trước: “Em nói ở âm lượng thế này có ổn chưa?”. Điều này sẽ khiến nhà quyển dụng thấy được bạn quan tâm đến họ.
Nói chậm nhưng rõ chữ thì vẫn tốt. Nói nhanh thường cho cảm giác rằng bạn phong cách nhanh chóng, nhiều nhiệt huyết, nhưng cố gắng tinh giảm một chút và quan trọng là phải nói đúng trọng tâm câu hỏi trong suốt quá trình phỏng vấn. Mục đích vẫn đang để nhà tuyển dụng nghe rõ, hiểu và nhớ thông tin từ câu trả lời của bạn.
Hãy cười nhiều, nhưng cười với cả trái tim và năng lượng nhé, chứ đừng ép buộc bản thân! Không thì buồn cười lắm!
4. Trả lời câu hỏi theo thứ tự:
Bạn sẽ luôn được hỏi những câu hỏi về giới thiệu bản thân, kinh nghiệm làm việc trước. Để tránh đi lan man, hãy dùng phương pháp tường thuật với cột mốc. Điều này giúp nhà tuyển dụng dễ nhớ các chi tiết hơn và còn cảm thấy bạn là một người suy nghĩ có phương pháp:
- Ví dụ 1:
Công việc 1: em làm công ty A, vị trí B..
Công việc 2: em làm công ty C, vị trí D…
- Ví dụ 2:
Dụ án số 1: em đảm nhiệm vai trò A, làm sản phẩm B
Dự án số 2: em đảm nhiệm vai trò C, làm sản phẩm D
 5. Tập thói quen kể chuyện:
Một số nhà tuyển dụng sẽ hỏi các câu để thẩm định tính cách của bạn (behavioral questions). Một vài câu hỏi Ví dụ:
a. Hãy kể một câu chuyện mà trong đó em gặp khủng hoảng trong công việc, và em đã xử lý như thế nào?
b. Hãy chia sẻ trải nghiệm khi em có bất đồng ý kiến với đội ngũ của mình, em đã làm như thế nào?
c. Dự án, sản phẩm em tự hào nhất là gì? Tại sao?
Cách trả lời các câu hỏi này không gì ngoài kể lại các câu chuyện thật đã diễn ra. Tips ở đây là:
- Luôn suy nghĩ về quá khứ và hiện tại để chuẩn bị kho câu chuyện của chính mình
- Hãy hướng đến giá trị tích cực. Ví dụ:
+ GIÁ TRỊ LUÔN PHẤN ĐẤU: Em đã làm không tốt, nhưng em học được bài học gì
+ GIÁ TRỊ TEAM WORK: Thử thách đến, nhưng vì đội ngũ đoàn kết, nên em đã đạt được thành công cùng đội ngũ (chứ không phải em ích kỉ và nhận hết công lao về mình)
+ GIÁ TRỊ NIỀM TIN: Em từng nghĩ em làm không được, nhưng em đã giữ lời hứa với sếp và đội ngũ, em cố hết sức mình, và cuối cùng em thành công.
+ GIÁ TRỊ TÔN TRỌNG CON NGƯỜI: Em lắng nghe ý kiến của đồng đội, và ghi nhận điểm mạnh/yếu của từng ý kiến và cùng nhau đồng ý với đội ngũ hướng đi chung, mà không giận dỗi trách móc ai
- Hãy kể thật chân thành, đừng nói dối. Nhà tuyển dụng nếu đã hỏi đến các câu này, nghĩa là họ rất thông minh và có kinh nghiệm thẩm định ứng cử viên. Bạn càng chân thành, bạn càng được đánh giá cao.
6. Khi không có câu trả lời:
Đơn giản, hãy thành thật. Hãy cứ thú nhận bạn không biết, hãy nói rằng bạn xin lỗi vì thật sự bạn không biết về chủ đề này / hoặc biết chưa sâu. Hãy nói rằng bạn sẽ tìm hiểu ngay sau buổi phỏng vấn và hi vọng có thể trả lời thêm qua email, hoặc nói rằng bạn nghĩ là một số sách/ tài liệu/ trang web ABC sẽ có câu trả lời, và bạn sẽ tìm hiểu nó ngay.
Nhà tuyển dụng sẽ cực kỳ thích điểm này. Nó thể hiện rằng tuy bạn không biết về chủ đề được hỏi nhưng bạn có một tinh thần tìm tòi, phấn đấu, và sẽ không bỏ cuộc tìm ra giải pháp. Đặc biệt nhà tuyển dụng startup sẽ rất đề cao giá trị này.
7. Hãy thể hiện mình là người thú vị:
Nhà tuyển dụng (giỏi) sẽ hỏi bạn có sở thích gì không? Vì họ sẽ thẩm định cả tính cách của bạn qua con người trong cuộc sống của bạn. Hãy kể hết các sở thích dù là nó nghe có vẻ không phổ biến. Chẳng hạn: bạn thích lắp lego (30 tuổi vẫn thích lego?!!!) Có sao đâu, nó thể hiện bạn sáng tạo và đầu óc kỹ sư mà!
Một số sỡ thích liên quan đến thể thao, đọc sách là điểm cộng. Nó thể hiện bạn luôn đầu tư vào cơ thể và trí óc của bạn. Nhà tuyển dụng thích các bạn thế này hơn là các bạn “mình cũng không có sở thích gì đặc biệt” hoặc “đi lòng vòng dạo phố” 😉
8. Bạn là con người, bạn sẽ có điểm mạnh và điểm yếu, hãy cứ nói thật:
Hãy chuẩn bị cho câu hỏi này. Hãy thành thật với chính cả điểm yếu của mình. Câu trả lời “Tôi không có điểm yếu nào cả!” lại là một câu thể hiện điểm yếu rõ ràng nhất của bạn: bạn không hiểu chính bản thân mình.

SAU PHỎNG VẤN:

9. Viết ngay email cảm ơn:
Đừng chậm trễ. Bạn thậm chí có thể có sẵn template email cảm ơn.
Hãy khiến nó personal hơn nữa bằng cách kể lại một chi tiết nhỏ xảy ra trong chính buổi phỏng vấn đấy, nó thể hiện bạn quan tâm và coi trọng buổi phỏng vấn này.
Ví dụ:
Em cảm ơn anh/chị đã dành thời gian phỏng vấn em cho vị trí ABC hôm nay. Đây là một trong những buổi phỏng vấn em thích nhất, chính vì anh/chị đã hỏi một câu rất hay làm em suy nghĩ…
10. Viết email followup:
Hãy kiên nhẫn chờ đợi khoảng 3-5 hôm và lịch sự viết email hỏi thông tin về kết quả phỏng vấn. Đừng khủng bố nhà tuyển dụng quá nhé, nó khiến bạn trông mất kiên nhẫn và sự thật là một số công ty có process khá lâu. Hãy be professional, trong mọi hoàn cảnh!
Điều cuối cùng nhưng cũng là điều đầu tiên nhé: HÃY LUÔN TIN TƯỞNG BẢN THÂN LÀ BẠN SẼ LÀM ĐƯỢC!